Nâng hạng thị trường chứng khoán là gì? Mục tiêu nâng hạng thị trường tại Việt Nam
Nâng hạng thị trường là một trong những mục tiêu cấp thiết của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Các ban ngành, đoàn thể có liên quan đang đốc thúc tìm các giải pháp thực hiện mục tiêu này. Vậy nâng hạng thị trường chứng khoán là gì? Kế hoạch nâng hạng thị trường Việt Nam như thế nào?
Xếp hạng thị trường chứng khoán là gì?
Trước khi tìm hiểu nâng hạng thị trường chứng khoán là gì, nhà đầu tư cần biết có bao nhiêu loại thị trường. Các thị trường trên thế giới được phân loại vào 3 nhóm chính, từ thấp đến cao là:
- Thị trường Cận biên (Frontier Market),
- Thị trường Mới nổi (Emerging Market),
- Thị trường Phát triển (Developed Market).
Xếp hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam đang ở top thấp nhất là Thị trường Cận biên (Frontier Market).
Theo đánh giá và phân loại của MSCI, trên thế giới có khoảng 190 quốc gia có thị trường chứng khoán. Các thị trường chứng khoán này được xếp vào 3 nhóm như sau:
- Thị trường cận biên – Frontier market: Những thị trường có chỉ số MSCI thấp nhất, đang ở giai đoạn đầu phát triển và mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Thị trường mới nổi – Emerging market: Những thị trường có sự cải thiện về thanh khoản, tăng quy mô vốn hóa, mở cửa nhiều hơn cho nhà đầu tư nước ngoài và có khuôn khổ pháp lý tiến bộ hơn so với nhóm Thị trường Cận biên.
- Thị trường phát triển – Developed market: Những thị trường tạo ra khả năng tiếp cận cao nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, quy mô và thanh khoản cao, đảm bảo các điều kiện phát triển thị trường và nền kinh tế.
Việc xem xét, đánh giá và phân loại các thị trường trên thế giới do 3 tổ chức lớn thực hiện là MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones. Mỗi tổ chức có danh sách các tiêu chí đánh giá riêng, tuy nhiên đều tập trung vào các khía cảnh cơ bản như:
- Ổn định chính trị
- Quy mô thị trường
- Mức độ phát triển kinh tế
- Tính thanh khoản của thị trường
- Khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài
- Khả năng lưu chuyển vốn và hiệu quả vận hành của thị trường.
Nâng hạng thị trường chứng khoán là gì?
Nâng hạng thị trường chứng khoán là việc một thị trường chứng khoán của một quốc gia được nâng hạng theo đánh giá tổ chức xếp hạng uy tín. Thị trường được nâng hạng này đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xếp hạng thị trường tương ứng và thông qua bước xét duyệt, đánh giá của tổ chức xếp hạng.
Mỗi năm các tổ chức này sẽ tiếp hành đánh giá và xếp hạng thị trường một lần. Thị trường nào đạt chỉ tiêu sẽ được nâng hạng, thị trường nào tiềm năng sẽ được đưa vào danh sách dự bị cho năm sau, thị trường nào không đáp ứng tiêu chí thì không được thăng hạng.
Mặc dù vậy, việc nâng hạng thị trường không xảy ra thường xuyên, liên tục. Ngay cả khi một thị trường nào đó đã thỏa mãn tất cả các tiêu chí thì vẫn cần có thời gian theo dõi, đánh giá lâu dài.
Đây là nguyên tắc cơ bản của cả 3 tổ chức xếp hạng khi xem xét quyết định nâng hạng hay hạ bậc một thị trường. Đồng thời, trước khi thay đổi xếp hạng phải thông báo với các nhà đầu tư.
Tiêu chí xếp hạng thị trường chứng khoán
Hệ thống phân loại theo MSCI (Morgan Stanley Capital International) có 3 tiêu chí như sau:
- Trình độ phát triển kinh tế: Đây là tiêu chí để đánh giá Thị trường Phát triển – Developed Markets. Việc xếp hạng Thị trường Cận biên và Thị trường Mới nổi không cần xét tiêu chí này.
- Quy mô và thanh khoản của thị trường: Đây là loại tiêu chuẩn định lượng để xem xét nâng hạng từ Thị trường Cận biên lên Thị trường Mới nổi. Theo đó, để được nâng hạng, thị trường phải có ít nhất 3 công ty đáp ứng các điều kiện gồm:
- Quy mô công ty: Giá trị vốn hóa đạt 1269 tỷ USD.
- Quy mô giao dịch cổ phiếu: Giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng đạt 635 triệu USD.
- Thanh khoản cổ phiếu: Bình quân hàng năm đặt 15% giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng.
- Khả năng tiếp cận thị trường: Tiêu chí này gồm 18 tiêu chí nhỏ hơn, chia thành 5 nhóm, phản ánh kinh nghiệm, yêu cầu và ràng buộc của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường như sau:
- Mức độ mở đối với vốn sở hữu nước ngoài
- Mức độ dễ dàng trong việc luân chuyển dòng vốn vào/ra thị trường
- Hiệu quả của hệ thống vận hành
- Môi trường cạnh tranh
- Tính ổn định của thể chế.
Tại sao cần nâng hạng TTCK?
Từ tháng 4/2022, mục tiêu tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán lên Thị trường Cận biên được các cấp ban ngành quan tâm, trở thành mục tiêu quan trọng của nền kinh tế trong những năm tới. Lý do cần nâng hạng thị trường chứng khoán là gì? Tại sao đây lại trở thành mục tiêu cấp thiết?
Nâng hạng thị trường chứng khoán không chỉ có vai trò thu hút càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện vị thế của kinh tế Việt Nam mà còn là đòn bẩy để toàn bộ nền kinh tế Việt Nam khắc phục những hạn chế và phát triển hơn. Trong đó, một số lý do chính cho việc cấp thiết hoàn thiện nâng hạng thị trường bao gồm:
Thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
So với Thị trường Cận biên, Thị trường Mới nổi có tiềm năng phát triển, quy mô và chất lượng lớn hơn. Dòng vốn đầu tư vào Thị trường mới nổi cũng ổn định hơn. Do vậy, nâng hạng thị trường lên sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường nhiều hơn, đặc biệt là các nguồn đầu tư thụ động như ETF.
Thực tế, mặc dù chỉ hơn 1 bậc xếp hạng, số vốn đầu tư vào Thị trường Mới nổi cao hơn rất nhiều so với vốn đầu tư vào Thị trường Cận biên. Các công ty ETF lớn trên thế giới cũng ưu tiên và tập trung vào các Thị trường Mới nổi hơn, tăng nguồn vốn nước ngoài đổ vào thị trường trong nước.
Tạo áp lực để thị trường Việt Nam thay đổi và phát triển
Muốn nâng hạng thị trường chứng khoán, bắt buộc thị trường chứng khoán Việt Nam phải đáp ứng đủ các tiêu chí xếp hạng. Điều này tạo áp lực buộc thị trường Việt Nam phải thay đổi, cải thiện các điều kiện về khung pháp luật, hệ thống giao dịch, công bố thông tinh minh bạch và rõ ràng.
Bên cạnh đó, trong quá trình xem xét, đánh giá xếp hạng thị trường, các tổ chức xếp hạng cũng giúp Việt Nam hiểu được tình hình hiện tại, tình trạng đáp ứng các tiêu chí xếp hạng. Sau đó, đưa ra những góp ý về tiêu chí còn thiếu và hỗ trợ đưa ra giải pháp khắc phục.
Học hỏi kinh nghiệm từ ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu là lợi ích to lớn trong việc tham gia đánh giá xếp hạng thị trường. Áp dụng những kinh nghiệm học được này vào thực tế, không chỉ giúp nâng hạng thị trường chứng khoán mà còn góp phần phát triển thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung lớn mạnh hơn.
Mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam và giải pháp thực hiện
Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 30/5/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đưa ra nhiệm vụ cho các ban ngành có liên quan phối hợp với nhau để Thị trường Chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng lên Thị trường Mới nổi.
Mục tiêu nâng hạng TTCK của Việt Nam
Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thành nâng hạng Thị trường Chứng khoán tới năm 2025. Lộ trình nâng hạng này đã được đưa vào dự thảo “Chiến lược Phát triển TTCK tới 2030” và đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Cả 2 văn bản này đang được trình lên Chính phủ xem xét, ban hành.
Trở ngại của Việt Nam khi nâng hạng TTCK
Hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025, Việt Nam đã hoàn thành được những tiêu chí cơ bản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiêu chí chưa thỏa mãn theo hệ thống tiêu chí đánh giá của các tổ chức xếp hạng.
Theo bộ tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell, Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng. Hai tiêu chí còn lại là “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “Hạn chế” và tiêu chí “Thanh toán – Tỉ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá.
Nguyên nhân là do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh và yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.
Xét theo bộ tiêu chí xếp hạng của MSCI, Việt Nam chỉ mới hoàn thành 8/17 tiêu chí mà thôi, vẫn còn hơn một nửa số tiêu chí phải cải thiện. Một số tiêu chí cần cải thiện là:
- Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện: Mặc dù đã gần 2 năm kể từ ngày Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 60 cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% nhưng số lượng cổ phiếu chính thức nới room vẫn khá khiêm tốn. Nguyên nhân là do giới hạn quy định luật pháp có liên quan và việc cổ đông các công ty không đồng ý tăng room cho các nhà đầu tư nước ngoài.
- TTCK bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại: Thị trường ngoại hối Việt Nam được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo vệ giá trị đồng tiền. Do đó, việc lưu chuyển vốn ngoại hối tại thị trường Việt Nam còn nhiều khó khăn. Để giải quyết việc này cần sự hợp tác của nhiều ban ngành, tổ chức liên quan trong hệ thống kinh tế.
- Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối: Tự do hóa thị trường ngoại hối là việc cho phép các nguồn vốn nước ngoài và trong nước tự do luân chuyển. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc giao dịch ngoại hối được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, thị trường Việt Nam chưa thể đáp ứng tiêu chí này.
- Đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận VSD: Thủ tục đăng ký và mở tài khoản chứng khoán đối với nhà đầu tư nước ngoài còn phức tạp và nhiều thủ tục hành chính. Việc này cần được thay đổi để tạo điều kiện cho nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam thuận lợi hơn.
- Quy định thị trường và dòng thông tin bằng Tiếng Anh: Thông tin bằng Tiếng Anh về các quy định của thị trường, thông tin của các sở giao dịch, VSD và thông tin về các doanh nghiệp còn thiếu. Điều này được quy định nhằm đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài.
- Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền: Tại Việt Nam, nhà đầu tư phải chuyển tiền mua chứng khoán trước 1 ngày rồi mới được nhận chứng khoán, tiền bán chứng khoán cũng phải sau 3 ngày mới về tài khoản nhà đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đầu tư và quản lý rủi ro, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cần tiền và chứng khoán phải chuyển giao đồng thời. Đối với tiêu chí này, thị trường Việt Nam chưa đáp ứng được.
Giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam
Việt Nam đang tích cực tìm và thực hiện các giải pháp hiệu quả để hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán đã đề ra. Ngày 24/6/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với Tổ chức FTSE Russell và Ngân hàng Thế giới để thảo luận về việc hoàn thành những chỉ tiêu còn thiếu.
Bộ Tài chính cũng tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể có liên quan để xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật liên quan đến chứng khoán và giao dịch chứng khoán với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này tạo điều kiện thu hút nguồn vốn nước ngoài vào thị trường và việc lưu thông nguồn vốn này thuận lợi.
Việc nhanh chóng xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho thị trường chứng khoán cũng được đẩy mạnh. Nhờ đó, các sản phẩm chứng khoán mới ra đời và dễ dàng tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài hơn. Các cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell để cập nhật thông tin thực tế, nắm rõ các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán là gì để có biện pháp thực hiện phù hợp.
Mới đây, dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và quy chế thành viên lưu ký đã được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam lấy ý kiến. Nếu dự thảo được thực hiện, thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán sẽ được rút ngắn ngay trong chiều ngày T+2.
Như vậy, qua bài viết này nhà đầu tư có thể hiểu rõ nâng hạng thị trường chứng khoán là gì và các tiêu chí cần có. Nâng hạng thị trường không chỉ có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài mà còn mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhà đầu tư trong nước. Nếu quan tâm đến vấn đề này, nhà đầu tư hãy cập nhật thông tin thường xuyên để đón đầu xu hướng, nắm bắt cơ hội đầu tư tốt nhất cho mình.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu