Học cách tối giản về tiền: Tiết kiệm ngay khi có lương, chắc chắn phải lập quỹ khẩn cấp
Đặc thù ở Việt Nam hơi khác nước ngoài một chút, đa số chúng ta không cần phải vay tiền để học đại học, vậy nên sau khi tốt nghiệp đại học – ở độ tuổi 22, 23, chúng ta ít phải lo về một khoản nợ sau khi học. Như vậy không có nghĩa là chúng ta không nên quan tâm đến chuyện tài chính cá nhân. Từ kinh nghiệm cá nhân của tôi, ngay từ khi bạn đủ 18 tuổi, dù kiếm được nhiều hay ít tiền, việc bắt đầu học và áp dụng các phương pháp quản lý và phát triển tài chính cá nhân là điều rất nên làm.
Có rất nhiều phương pháp quản lý tài chính cá nhân mà bạn có thể tìm được trên mạng, áp dụng sống tối giản cũng là một cách. Nếu bạn sở hữu cho mình tư duy sống tối giản, bạn sẽ biết tiết kiệm tốt hơn, chi tiêu thông minh hơn cho những thứ bạn thực sự cần và đem lại niềm vui cho bạn, và ít bị ảnh hưởng hơn bởi những quảng cáo trên mạng. Vậy bạn có thể ứng dụng tư duy tối giản vào tài chính cá nhân như thế nào?
Tiết kiệm quỹ khẩn cấp
Có những chuyện bất ngờ xảy ra chúng ta không lường trước được, nhập viện vì một vấn đề sức khỏe nào đó chẳng hạn. Một ngày nọ tôi đi khám bệnh, nhận được một giấy nhập viện mổ kèm hóa đơn 20 triệu.
Vì không biết trước được chuyện gì có thể xảy ra, việc tốt nhất bây giờ bạn có thể làm là chuẩn bị trước một khoản tiền cho những việc như vậy. Khoản tiền này gọi là Quỹ Khẩn Cấp, tức là chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Hãy tính toán xem một tháng hiện tại bạn chi tiêu khoảng bao nhiêu tiền để tạo quỹ khẩn cấp tương ứng. Quỹ khẩn cấp nhỏ bằng 3 tháng chi tiêu, quỹ khẩn cấp vừa bằng 6 tháng chi tiêu, quỹ khẩn cấp to bằng 12 tháng chi tiêu. Ví dụ, một tháng tôi tiêu 20 triệu, tôi tạo cho mình một quỹ khẩn cấp vừa là 120 triệu. Quỹ to hay nhỏ phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn, ví dụ bạn sống một mình tự lo, thì quỹ nên to. Bạn có gia đình hỗ trợ, chẳng may hết sạch tiền vẫn chạy về nhà ba mẹ được thì quỹ nhỏ nhỏ thôi.
Khi bắt đầu kiếm được đồng tiền đầu tiên, bạn hãy nghĩ ngay đến việc tạo quỹ khẩn cấp. Khi nào quỹ khẩn cấp hoàn thành, hãy dành tiền cho các việc khác như ăn uống, đi du lịch…
Hệ thống quản lý tiền kiểu tối giản
Sau khi tham khảo nhiều kiểm quản lý tài chính cá nhân, tự tạo ra cho bản thân một hệ thống quản lý tiền tối giản gồm ba thành tố:
– Một bảng kế hoạch chi tiêu;
– Một phần mềm ghi chép chi tiêu;
– Chia tiền theo hệ thống.
Đây là một vòng tròn khép kín. Đầu tiên tôi lên kế hoạch chi tiêu, tính ra các khoản cần phải chi trong tháng, sau đó ghi chép lại từng khoản trong tháng đó. Mỗi khi tôi nhận được một khoản tiền (bất kỳ số tiền hay thời gian), tôi chia tiền theo các hệ thống mình đã đặt ra. Đến cuối tháng, tôi dành thời gian lên kế hoạch cho tháng tiếp theo.
Hệ thống này đơn giản, nhưng để thực sự tuân thủ theo được cũng tốn mất của tôi cả năm trời để thử và sai. Các bước cụ thể tôi làm như sau:
1. Bảng kế hoạch chi tiêu đơn giản
Với chủ trương sống tối giản nên tôi cũng tạo một bảng kế hoạch chi tiêu đơn giản nhất có thể, bằng cách gạt bỏ bớt các đầu mục không cần thiết và gộp vào các đầu mục có vẻ giống giống nhau. Đến bây giờ các khoản chi hàng tháng của tôi là:
– Tiền thuê nhà (bao gồm điện, nước…)
– Tiền ăn
– Tiền mua sắm
– Tiền đi lại
– Tiền phí (điện thoại, Netflix…)
– Tiền khác (chủ yếu là quà cáp và sức khỏe).
2. Ghi chép chi tiêu
Để bắt đầu quản lý tài chính cá nhân tốt, bạn cần phải biết mình đã tiêu tiền vào việc gì. Tùy thuộc vào sở thích, bạn có thể dùng giấy, Excel để ghi chép. Cá nhân tôi dùng ứng dụng MoneyLover trên điện thoại.
Đa số tiêu gì thì tôi sẽ mở điện thoại nhập luôn khoản tiền đó. Có hôm bận thì tôi dành 5-10 phút buổi tối để nhớ lại các khoản chi trong ngày và nhập vào.
3. Chia tiền theo hệ thống
Có nhiều cách chia tiền kiếm được mà bạn có thể tìm trên mạng, một số cách nổi tiếng như phương pháp 6 cái lọ chẳng hạn. Tppo làm việc tự do nên tiền nhận được vào các ngày khác nhau trong tháng, có khoản giữa tháng, có khoản cuối tháng. Vào ngày nhận tiền, tôi sẽ chia khoản tiền nhận được ra làm 3 phần:
– Tiền cho quỹ khẩn cấp (trong trường hợp quỹ chưa đủ).-
– Tiền cho quỹ đầu tư
– Tiền cho chi tiêu tháng sau
Thay vì chờ đến cuối tháng xem sau khi chi tiêu còn dư bao nhiêu mới để tiết kiệm, tôi sẽ tiết kiệm ngay từ khi nhận được tiền – đây là điều tôi học được dựa theo một phương pháp rất nổi tiếng của quản lý tài chính cá nhân là ‘Pay Yourself First’ – luôn trả tiền cho bạn trước tiên.
Có rất nhiều người viết về tài chính cá nhân trên mạng, nếu bạn chăm đọc cỡ chục cuốn sách thì bạn cũng sẽ thấy rằng các lời khuyên cũng na na giống nhau thôi, cũng xoay quanh chuyện tiết kiệm trước, ghi chép chi tiêu, quỹ khẩn cấp. Không có lời khuyên nào là đúng nhất, chỉ có lời khuyên phù hợp nhất với bạn. Trong bài viết này, những nguyên tắc tôi sử dụng dựa trên nguyên tắc tối giản, nên bạn sẽ thấy các cách làm khá đơn giản chứ không phức tạp nhiều bước.
Tối giản tài chính cá nhân nên bắt đầu từ chuyện làm lại tư tưởng, đặc biệt là chuyện chi tiêu. Hãy lấy ra một tờ giấy và cây bút, ghi ra tất cả các khoản bạn đã chi trong tháng vừa qua và suy nghĩ xem đâu là những khoản bạn đã chi tốt, đâu là những khoản bạn hoàn toàn có thể cắt giảm được.
Chúng ta có thể muốn rất nhiều thứ, tuy nhiên đâu là điều mà chúng ta thực sự cần?
Chúc bạn tối giản hóa tài chính cá nhân thành công.
Theo: Cafef
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu