Chiến lược đại dương đỏ là gì? Có nên sử dụng không?
Trong hoạt động tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường, việc áp dụng các chiến lược một cách đúng đắn giúp rút ngắn thời gian đạt được thành quả mong đợi. Nhiều nhà đầu tư hay bản thân các tổ chức/doanh nghiệp đang lựa chọn chiến lược đại dương đỏ cho hoạt động đầu tư của mình. Vậy chiến lược đại dương đỏ là gì? Có nên sử dụng chiến lược này không? Cùng Finhay theo dõi chi tiết trong nội dung sau đây.
Đại dương đỏ là gì?
Đại dương đỏ là thị trường đã bị lấp đầy bởi các đối thủ và bị khai thác rất kỹ. Sự cạnh tranh tại đây cực kỳ gay gắt, các quy luật được thiết lập rõ ràng, có sự phân chia thị phần và khó có thể mở rộng thêm thị trường ngách. Thị trường đỏ còn được hiểu là một thị trường cạnh tranh đẫm máu (đỏ).
Chiến lược đại dương đỏ là gì?
Từ khái niệm đại dương đỏ, có thể hiểu, chiến lược đại dương đỏ (tiếng anh là Red Ocean Strategy) là một kế hoạch hành động của tổ chức để tạo ra lợi nhuận trong thị trường cạnh tranh. Chiến lược này giúp một hoặc nhiều sản phẩm có thể tồn tại, đánh bại các đối thủ cạnh tranh khác.
Chiến lược sẽ đưa ra cái nhìn chi tiết về nhu cầu khách hàng tại thị trường đã được thiết lập sẵn, tức là không phải một thị trường mới. Điều này được coi là lợi thế, đồng thời chứa nhiều bất lợi bởi sự cạnh tranh khốc liệt. Những người tham gia đều đang cố gắng để tạo ra một thị trường ngách, nơi mà họ sẽ cung cấp các ưu đãi và chất lượng hoàn hảo hơn.
Đặc điểm của chiến lược đại dương đỏ
Chiến lược đại dương đỏ được xây dựng dựa trên sự cạnh tranh giả định rằng các điều kiện về cấu trúc một ngành/lĩnh vực đã được xác lập, doanh nghiệp khi tham gia bắt buộc phải cạnh tranh trong những điều kiện đó. Các đặc điểm nhất định của chiến lược này liên quan đến lý thuyết đại dương đỏ, khi mà:
- Các tổ chức cạnh tranh trong một thị trường đã tồn tại.
- Trọng tâm chiến lược là sự đánh đổi giữa giá trị hoặc chi phí. Tổ chức sẽ đưa ra quyết định tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng với mức chi phí cao hơn hay giá trị hợp lý và chi phí thấp hơn.
- Doanh nghiệp tổ chức khai thác nhu cầu hiện hữu trong thị trường đại dương đỏ.
- Chiến lược thực thi được đề ra, thử nghiệm, cải thiện.
Nhiều ví dụ thực tế về chiến lược đại dương đỏ đã khẳng định việc tổ chức cần đưa ra lựa chọn giữa chi phí thấp và sự khác biệt. Do đó, hoạt động theo chiến lược này thực chất là việc chiến đấu và đánh bại các đối thủ cạnh tranh.
Người ta sử dụng màu đỏ để đặt tên cho chiến lược như hình ảnh ẩn dụ máu của những con cá mập đang cắn xé nhau tranh giành mồi ngon. Thị trường cũng là chiến trường nơi các tổ chức chiến đấu để giành lấy thị phần.
Có nên sử dụng chiến lược đại dương đỏ không?
Lựa chọn một chiến lược đúng đắn là việc làm rất quan trọng mà các nhà quản trị doanh nghiệp cần chú tâm. Chiến lược đại dương đỏ hay đại dương xanh đều có những đặc điểm, cách thức cụ thể mà mọi người có thể phân tích. Tùy vào định hướng hoạt động của mỗi tổ chức mà bạn sẽ chọn được chiến lược hợp lý.
Thị trường đại dương đỏ tưởng chừng như không còn có cơ hội cho những người mới, nhưng thực tế có rất nhiều doanh nghiệp vẫn thâm nhập thành công vào thị trường này và chiếm một thị phần không nhỏ. Dù xuất phát sau các đối thủ nặng ký nhưng họ vẫn áp dụng thành công chiến lược đại dương đỏ trong hoạt động của tổ chức.
Nên sử dụng chiến lược đại dương đỏ nếu bạn quyết định gia nhập vào một thị trường với rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Lúc này bạn sẽ không phải là người duy nhất có sản phẩm/dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu khách hàng.
Chiến lược đại dương đỏ giúp tổ chức “bắt lấy” khách hàng từ tay đối thủ khác thành công, sau đó tạo ra “đế chế” của mình. Tất nhiên, bạn phải có niềm tin vào sản phẩm và chiến lược đưa ra, vượt qua được bẫy đại dương đỏ.
Những “bẫy” cần tránh khi thực hiện đại dương đỏ
Để thực hiện chiến lược đại dương đỏ hiệu quả, nhà quản lý cần tránh một số sai lầm thường gặp:
- Nhà quản lý nếu chỉ cố gắng làm cho khách hàng hiện tại hạnh phúc hơn sẽ không thể tự tạo ra “đế chế” mới và tiếp cận được những người hiện chưa phải là khách hàng.
- Nhà quản lý mặc dù tập trung vào thị trường ngách mang lại lợi nhuận cao nhưng lại sa đà vào các chiến lược không bền vững, dẫn tới việc mất thị phần, khiến khách hàng thất vọng.
- Tổ chức tập trung đổi mới công nghệ nhưng lại không thấy sự tăng trưởng nếu áp dụng chiến lược lại tạo ra một thị trường yếu kém.
- Nếu không có một chiến lược tạo ra thị trường, tổ chức sẽ mất dần cơ hội kiếm lợi nhuận và thiết lập thương hiệu riêng. Mặc dù doanh nghiệp của bạn có thể phát triển một sản phẩm và đưa vào ngành, thành công lật đổ đối thủ cạnh tranh hàng đầu nhưng không có chiến lược tốt thì mức đảm bảo cho thị trường mới không cao.
- Sự nhầm lẫn giữa việc tạo ra thị trường và cung cấp giá trị cao cấp cho khách hàng sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Thay vì vậy, tổ chức có thể loại bỏ các yếu tố để cắt giảm chi phí.
- Có nhà quản lý lại coi chiến lược chi phí thấp là chiến lược nhằm tạo ra thị trường, do đó họ tập trung vào việc cắt giảm chi phí mà bỏ qua tập trung vào giá trị của khách hàng.
Bản thân mỗi nhà quản trị doanh nghiệp cần xác định rõ những bẫy đại dương đỏ, như vậy họ sẽ không bị hạn chế khi xâm nhập vào các không gian thị trường đầy hứa hẹn. Hiểu rõ ý nghĩa của chiến lược, so sánh chiến lược đại dương xanh và đại dương đỏ giúp tổ chức đến gần hơn với lợi nhuận kỳ vọng, dù là trong một thị trường có tính bão hòa và cạnh tranh cao.
#3 Yếu tố quan trọng giúp tạo nên chiến lược đại dương đỏ thành công
Vị thế cạnh tranh phải được xây dựng dựa theo một chiến lược đúng đắn, đây là cách quan trọng để tổ chức có thể thành công trên thị trường đại dương đỏ. Có được chiến lược kinh doanh phù hợp giúp tạo vị thế mạnh, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ. Có 3 yếu tố giúp chiến lược đại dương đỏ trở nên hiệu quả hơn trong hoạt động kinh doanh:
- Tập trung tạo ra giá trị sản phẩm tốt, chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng và với chi phí thấp hơn. Do đó, cần cân bằng giữa chi phí và giá trị sản phẩm để tìm được phân khúc khách hàng phù hợp.
- Cần định vị thương hiệu, gây dựng nhận thức khách hàng đối với doanh nghiệp. Các hoạt động truyền thống, marketing cần được mở rộng để tạo lòng tin và nhận biết thương hiệu. Cân nhắc giữa kênh truyền thông truyền thống hay hiện đại để cân đối ngân sách, có chiến lược hợp lý.
- Hoạt động phân tích đối thủ cạnh tranh, phân tích khách hàng rất quan trọng để doanh nghiệp xây dựng chiến lược dựa trên sự khác biệt của những giá trị sẵn có.
Ví dụ về chiến lược đại dương đỏ
Ngay tại thị trường Việt Nam cũng có nhiều bằng chứng cho việc áp dụng thành công chiến lược đại dương đỏ.
- Hoạt động của xe ôm công nghệ xuất hiện đã tạo ra sự cạnh tranh giữa: Taxi truyền thống và taxi công nghệ, xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ. Làm thế nào mà xe ôm, taxi truyền thống có thể tồn tại khi công nghệ có quá nhiều sự hiện đại, tiện lợi cho khách hàng? Đó là việc hãng truyền thống tập trung cung cấp giải pháp biết trước giá, không tăng giá dù cao điểm hay mưa gió. So với hãng công nghệ họ tăng giá cước khi thời tiết xấu và giờ cao điểm.
- Trong lĩnh vực tài chính: Một đặc điểm thú vị là tại thị trường Việt Nam có rất nhiều ngân hàng. Làm thế nào để ngân hàng có thể tăng vị thế cạnh tranh của mình? Một số ngân hàng, chẳng hạn như TPBank và VP Bank đã áp dụng chiến lược chuyển đổi mô hình kết hợp công nghệ hiện đại để tăng sự cạnh tranh với ngân hàng truyền thống.
Mỗi doanh nghiệp trong thị trường đại dương đỏ phải tìm ra được điểm khác biệt của mình để tạo lợi thế cạnh tranh hiệu quả. Nếu không, bạn sẽ dần bị quên lãng bởi chính khách hàng hiện tại.
Thị trường đại dương đỏ vẫn là miếng mồi béo bở cho nhiều doanh nghiệp tham gia. Nếu bạn nắm bắt ý nghĩa chiến lược để sử dụng trên thị trường này, cơ hội đạt được lợi nhuận hoàn toàn có thể thực hiện. Hy vọng với những nội dung trên, bạn đọc đã hiểu rõ về đại dương đỏ và cách áp dụng chiến lược này hiệu quả nhất. Đừng quên theo dõi các tin tức, kiến thức đầu tư tài chính thú vị tại Finhay nhé!
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu