Bản tin thị trường ngày 29/6: thị trường giữ ở gần mức tham chiếu, thanh khoản lại giảm
Thị trường chứng khoán có một phiên giao dịch giằng co, VN-Index kết thúc phiên giao dịch với không nhiều thay đổi, gần như ở mức tham chiếu. Tuy nhiên, xét theo từng nhóm cổ phiếu, vẫn có nhiều mã mất điểm. Thanh khoản của thị trường tiếp tục giảm về mức thấp dưới đường trung bình.
Thị trường giữ ở gần mức tham chiếu
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/6, VN-Index vẫn giữ ở gần mức tham chiếu, chỉ giảm tối thiểu 0,01 điểm, đạt mức 1.218,09 điểm. Tương tự, chỉ số VN30-Index cũng chỉ mất 0,01 điểm, kết thúc phiên ở mức 1.273,4 điểm.
Trên HOSE có 184 mã tăng và 263 mã giảm điểm. Thị trường có sự phân hoá rõ rệt. Riêng nhóm VN30 có 12 mã tăng và 13 mã giảm. Đáng lưu ý, nhóm VN30 không có mã nào tăng hay giảm hết biên độ trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
VCB là mã cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số VN-Index. Trong khi đó, BID lại là mã cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất tới chỉ số chung của thị trường (+3,7%). VNM cũng có phiên giao dịch ấn tượng với mức tăng 2,1%. Ngoài ra, hầu hết các mã đều tăng từ 0,1 – 1,1%.
Về phía nhóm ngành, chứng khoán, thuỷ sản và thép là các ngành có phiên giao dịch khả quan. Ở nhóm chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu tăng điểm khi thị trường đóng cửa: SSI kết thúc phiên giao dịch với mức tăng 0,8%, VND (+1,4%), VPS (+2,1%), FTS (+1,9%).
Ở nhóm thép, HPG tăng hơn +1,1%, NKG tăng +4,1%, HSG (+3%)… Ngược lại, các nhóm ngành bảo hiểm, bất động sản và xây dựng lại chìm trong sắc đỏ.
Đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu thuỷ sản. Dù liên tục mất điểm từ đầu phiên, tuy nhiên, đến giữa phiên chiều, cổ phiếu thuỷ sản bất ngờ đảo chiều tăng vọt. Các mã cổ phiếu đầu ngành như IDI (+2,3%), VHC (+2,3%), ANV (+4,7%) đều tăng mạnh về cuối phiên.
Thanh khoản của thị trường hôm nay lại giảm. Trên HOSE, giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 11,8 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 3.000 tỷ đồng so với hôm qua.
Như vậy, sau 2 phiên liên tiếp tăng điểm và tăng cả thanh khoản, thị trường đã có dấu hiệu chững lại trong ngày hôm nay. Đây là điều dễ hiểu khi các nhà đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng trước thông tin GDP Quý II được công bố.
Các nhà đầu tư nước ngoài hôm nay quay trở lại bán ròng. Trong đó, DPM và HPG là 2 mã bị bán ròng nhiều nhất, lần lượt đạt giá trị là -44,95 và 44,29 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, CTG là mã cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất (+42,25 tỷ đồng).
Giá vàng hôm nay: Chịu nhiều áp lực
Tính đến 9h sáng nay, giá vàng thế giới quanh mốc 1.822,1 USD/ounce, giảm 1,9 USD/ounce so với ngày hôm qua. Giá vàng tương lai tháng 7 giao dịch trên sàn Comex New York đạt ngưỡng 1.822,6 USD/ounce, giảm 3,4 USD/ounce.
Giá vàng SJC trong nước đạt ngưỡng 68,1 triệu đồng/lượng (giá mua vào) và 68,82 triệu đồng/lượng (giá bán ra). Như vậy, trái ngược với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đã tăng 100.000đ/lượng so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay vẫn chịu sức ép do đồng USD đang trên đà hồi phục. Việc lợi suất kho bạc Mỹ tăng cũng kìm hãm đà tăng của giá vàng. Khi đồng USD tăng trở lại, vàng sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn so với các kim loại khác.
Dù vậy, giá vàng vẫn có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do tình trạng lạm phát vẫn đang tăng cao. Đồng thời, giá dầu thô – mặt hàng có quan hệ mật thiết với giá vàng vẫn đang trên đà tăng.
Điểm tin thị trường
- Mã cổ phiếu CEE của CTCP Xây dựng Hạ tầng CII sẽ chính thức huỷ niêm yết trên HOSE kể từ ngày 22/7, ngày giao dịch cuối cùng sẽ là ngày 21/7. Lý do cổ phiếu CEE bị huỷ niêm yết là do CTCP Xây dựng Hạ tầng CII đã huỷ tư cách công ty đại chúng do không đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
- CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 30/6 tới đây. DLG đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 tăng 60% so với năm 2021, đạt 2.500 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu của DLG đạt 80% kế hoạch nhưng lợi nhuận chỉ đạt 25% kế hoạch đề ra ban đầu.
- CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) vừa nhận quyết định cưỡng chế thuế từ Chi cục thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo. Doanh nghiệp này sẽ bị phong toả tài khoản và trích tiền tài khoản tại kho bạc. Số tiền thuế bị cưỡng chế lên đến 30,6 tỷ đồng.
- CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) sẽ trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách là ngày 14/7 và dự kiến chi trả vào ngày 28/7. Với 851,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Gelex sẽ phải chi khoảng 425,7 tỷ đồng để trả cổ tức.
- CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) thông báo sẽ trả cổ tức đợt 2 năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%, tức là cứ sở hữu 100 cổ phiếu, cổ đông sẽ nhận thêm 20 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng sẽ là ngày 07/07. HDG dự kiến sẽ phát hành hơn 40 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, nâng tổng số vốn điều lệ lên thành thành 2,446 tỷ đồng.
- CTCP Tập đoàn Thiên Long (TLG) thông báo trong 2 tháng 4 và 5/2022, doanh nghiệp này báo lãi ròng tăng vọt 94%, đạt 92 tỷ đồng. Doanh thu của TLG cũng tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, đạt 630 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 tháng đầu năm, TLG đã đạt 44% doanh thu và 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu