Bảo hiểm xã hội là gì? Các chế độ và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm
Trong quá trình làm việc, người lao động có thể gặp các vấn đề về sức khỏe, rủi ro ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống. Bảo hiểm xã hội là loại hình bảo hiểm đóng vai trò quan trọng đối với người lao động. Hiểu rõ về BHXH sẽ giúp người lao động bảo vệ quyền lợi của mình trong suốt quá trình làm việc và nghỉ hưu sau này. Vậy bảo hiểm xã hội là gì? Các chế độ và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm thế nào?
Bảo hiểm xã hội là gì?
Theo Điều 3 luật bảo hiểm xã hội năm 2014: “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”
Trên cơ sở tham gia bảo hiểm, người lao động sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp theo từng trường hợp cụ thể. Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một chính sách quan trọng của nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người lao động. Các chế độ BHXH được nhà nước tổ chức và thực hiện theo đúng quy định trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi tham gia BHXH
Bảo hiểm xã hội là chính sách được nhà nước đưa ra để đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ người lao động (NLĐ). Theo quy định, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng những quyền lợi sau:
- Được hưởng các chế độ theo luật BHXH quy định.
- Được cấp và tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình, đồng thời nhận lại sổ khi không còn làm việc.
- Được nhận lương hưu và trợ cấp đầy đủ, theo nhiều hình thức: Nhận tại cơ quan BHXH, công ty làm việc, qua tài khoản ngân hàng hay trực tiếp từ người sử dụng lao động.
- Được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế trong các trường hợp: Nhận nuôi con, bệnh nghề nghiệp, thai sản, trợ cấp ốm đau…
- Hưởng các chế độ BHXH đối với người bị suy giảm sức khỏe, khả năng lao động đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
- Người tham gia được phép yêu cầu cơ quan hoặc đơn vị sử dụng lao động cung cấp thông tin đóng BHXH và các quyền lợi được hưởng.
- Được khiếu nại, khởi kiện và tố cáo cơ quan quản lý BHXH hay công ty sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
- Người tham gia được phép ủy quyền nhận lương hưu hoặc tiền trợ cấp BHXH.
Bên cạnh các quyền lợi, người tham gia BHXH cũng có một số trách nhiệm như:
- Đóng bảo hiểm xã hội định kỳ theo đúng quy định của Luật BHXH.
- Bảo quản sổ bảo hiểm theo đúng quy định, không được phép tẩy xóa, sửa thông tin.
- Thực hiện đầy đủ các quy định về việc lập hồ sơ, cung cấp thông tin trong sổ BHXH.
- Các quy định khác được quy định trong luật BHXH.
Mua bảo hiểm xã hội có tác dụng gì?
Mặc dù người tham gia sẽ được hưởng nhiều quyền lợi và chế độ, tuy nhiên vẫn không ít người băn khoăn: “Mua bảo hiểm xã hội để làm gì?”
Việc mua bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ người lao động trước những nguy cơ suy giảm sức khỏe, mất sức lao động, gặp rủi ro trong tương lai, ảnh hưởng đến thu nhập. Người tham gia BHXH sẽ được nhà nước hỗ trợ, trợ cấp tiền mặt khi gặp các vấn đề khó khăn tài chính, theo quy định.
Về lâu dài, bảo hiểm xã hội sẽ là giải pháp giúp người lao động có chất lượng cuộc sống tốt hơn, giảm tình trạng phụ thuộc về tài chính vào con cháu khi đã nghỉ hưu. Với người lao động nữ, mua bảo hiểm xã hội sẽ có lợi trong quá trình mang thai và trong thời gian nuôi con, không thể tạo ra thu nhập. Qua đó giúp ổn định cuộc sống.
Có bao nhiêu loại hình BHXH tại Việt Nam?
Hiện nay, nhà nước đang đưa ra nhiều loại hình bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng người lao động có thể tham gia. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 2 loại hình chính là BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện do nhà nước tổ chức và người lao động có thể tự lựa chọn phương thức và mức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Nhà nước có hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện hưởng các chế độ: Hưu trí, tử tuất.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?
Loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc do nhà nước tổ chức, các đối tượng đủ điều kiện sẽ bắt buộc phải tham gia. Với BHXH bắt buộc, người tham gia sẽ được hưởng các chế độ: Thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất.
Các chế độ người lao động được hưởng khi tham gia BHXH
Hiện nay, không ít người lao động chưa nắm rõ về các chế độ khi tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này sẽ khiến bạn có thể bị mất đi quyền lợi của mình. Vậy các chế độ bảo hiểm bao gồm những gì?
Chế độ ốm đau
Chế độ ốm đau trong BHXH là chính sách hỗ trợ người lao động trong trường hợp người lao động tạm nghỉ việc vì: Tai nạn hay ốm đau. Người lao động bị ốm đau phải nghỉ việc sẽ được hỗ trợ 1 phần chi phí sinh hoạt, duy trì cuộc sống hàng ngày hoặc chi phí điều trị.
Điều kiện được hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 25, Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
- Người ốm đau, bệnh tật phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền. Ngoại trừ trường hợp: ốm đau, bệnh tật do cố tình hủy hoại sức khỏe, say rượu, sử dụng chất ma túy… sẽ không được hưởng chế độ này.
- Nghỉ việc để chăm con ốm dưới 07 tuổi và có xác nhận của cơ quan khám chữa bệnh có thẩm quyền.
Mức hưởng trợ cấp ốm đau theo quy định tại điều 28, Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Mức hưởng chế độ ốm đau hàng tháng = 75%*Mức đóng BHXH tháng liền kề trước khi nghỉ.
Nếu người lao động nghỉ dài hơn 180 ngày thì tiếp tục nhận mức hỗ trợ với mức thấp hơn 50 – 65%, tùy thời gian đóng.
Chế độ thai sản
Chế độ thai sản mang lại nhiều lợi ích cho người lao động nữ khi nghỉ sinh và chăm con, không thể tiếp tục lao động. Số tiền hỗ trợ sẽ giúp mẹ bầu trong quá trình nghỉ sinh có thể trang trải chi phí sinh hoạt.
Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản được quy định tại điều 31, Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Người lao động sẽ được hưởng hỗ trợ thai sản, nếu nằm trong các trường hợp sau: Lao động nữ mang thai, sinh con, mang thai hộ, nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi, lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản, lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con.
Mức trợ cấp 1 lần cho phụ nữ sinh con tham gia bảo hiểm xã hội được quy định tại điều 38 và 39, Luật BHXH 2014.
Chế độ tai nạn lao động
Trong quá trình lao động, NLĐ có thể gặp rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, không thể tiếp tục đi làm và tạo ra thu nhập. Chế độ tai nạn lao động của BHXH sẽ là giải pháp tạm thời, giúp NLĐ giải quyết các khó khăn tài chính trước mắt và ổn định cuộc sống.
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động của BHXH được quy định điều 45, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015:
- Tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc, kể cả khi thực hiện các nhu cầu cần thiết trong quá trình lao động.
- Tai nạn ngoài nơi làm việc, do thực hiện ngoài giờ theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
- Tai nạn trên tuyến đường từ nhà đến nơi làm việc với khoảng thời gian hợp lý.
- Suy giảm sức lao động từ 5% trở lên do bị những tai nạn nói trên theo quy định.
Người lao động sẽ nhận được các tiền hỗ trợ tai nạn lao động:
- Từ người sử dụng lao động đối với các chi phí được quy định theo Điều 38, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015: “Chi phí sơ cứu, cấp cứu cho đến khi điều trị ổn định, tiền lương, tiền bồi thường cho người lao động tùy theo mức suy giảm sức lao động.”
- Từ quỹ tai nạn lao động chi trả với trợ cấp 1 lần/trợ cấp hàng tháng, tiền phục hồi sức khỏe sau điều trị…
Chế độ hưu trí
Chế độ hưu trí là chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động khi hết tuổi lao động, hoặc đóng đủ 20 năm trở lên, đồng thời đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định. Căn cứ pháp lý để hưởng chế độ hưu trí tại Điểm a Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động.
Mức hưởng chế độ hưu trí được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu* Mức bình quân đóng BHXH
Trong đó:
- Từ năm 2022, Lao động nam đóng đủ 20 năm, mức bình quân sẽ là 45% mức bình quân đóng BHXH dưới 20 năm. Sau mỗi năm sẽ tăng 2%, tối đa là 75%.
- Lao động nữ, mức bình quân sẽ là 45%, nếu đóng dưới 15 năm. Từ 16-20 năm, sau mỗi năm sẽ tăng 2%.
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp sẽ là giải pháp tài chính, bù đắp cho người lao động khi không có việc làm. NLĐ có thể sử dụng khoản chi phí này để học nghề, tìm việc mới. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng là 1% tiền lương tháng.
Mức hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp được xác định căn cứ theo Điều 50 Luật Việc làm 2013:
Mức hưởng hàng tháng = 60%* Mức tiền lương bình quân 6 tháng đóng BHXH liên tiếp gần nhất.
Chế độ bảo hiểm y tế
Mức đóng BHYT chiếm 4.5% lương hàng tháng của người lao động. Do vậy, người tham gia BHXH sẽ được quỹ BHYT chi trả các chi phí: Khám chữa bệnh, điều trị, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở, sinh con… theo mức cụ thể quy định trong luật.
Để được hưởng chế độ BHYT: Người lao động chỉ cần xuất trình thẻ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Mức hưởng chế độ BHYT sẽ từ 80 – 100%, tùy tình trạng bệnh được quy định tại Điều 22, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014.
Chế độ tử tuất
Khi tham gia BHXH, người lao động sẽ được hưởng chế độ tử tuất như Trợ cấp mai táng, trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc trợ cấp 1 lần. Điều kiện được hưởng chế độ tử tuất mai táng được quy định tại khoản 1, Điều 66, Luật bảo hiểm xã hội 2014:
- Người lao động có thời gian đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.
- Người lao động mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mất trong thời gian điều trị bệnh do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
- Người đang hưởng lương hưu, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp lao động hàng tháng đã nghỉ việc.
Mức hưởng chế độ tử tuất mai táng được quy định tại Khoản 2, điều 66, Luật BHXH: “Trợ cấp mai táng gấp 10 lần mức lương đang hưởng”.
Cách tính tiền lương đóng BHXH và mức đóng
Khi tham gia bảo hiểm xã hội, NLĐ cần biết cách tính tiền lương và mức đóng cụ thể. Điều này là cực kỳ cần thiết để người tham gia cân đối tài chính và đảm bảo các quyền lợi của mình.
Cách tính tiền lương đóng bảo hiểm xã hội được xác định dựa trên: Luật BHXH 2014, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Nghị định số 90/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ được tính như sau:
Các khoản trích theo tiền lương | Đối với doanh nghiệp (%) | Đối với người lao động (%) |
Bảo hiểm xã hội | 17.5 | 8 |
Bảo hiểm y tế | 3 | 1.5 |
Bảo hiểm thất nghiệp | 1 | 1 |
Tổng cộng bảo hiểm | 21.5 | 10.5 |
Chi phí công đoàn | 2 |
Dựa trên mức đóng bảo hiểm xã hội, người lao động có thể xác định được mức lương đóng bảo hiểm theo quy định.
Mức lương tối thiểu vùng, áp dụng cho các doanh nghiệp hiện nay được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, như sau:
- Vùng 1, mức đóng tối thiểu 4.420.000 đồng/tháng.
- Vùng 2, mức đóng tối thiểu 3.920.000 đồng/tháng.
- Vùng 3, mức đóng tối thiểu 3.430.000 đồng/tháng.
- Vùng 4, mức đóng tối thiểu 3.070.000 đồng/tháng.
Mức lương đóng BHXH tối đa bằng 20 tháng mức lương cơ sở, được quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP.
Hiện nay, luật BHXH quy định mức đóng với thời gian tối thiểu 20 năm. Có nhiều ý kiến cho rằng việc đóng tối thiểu 20 năm khiến người lao động gặp khó khăn khi tích lũy thời gian đóng và được hưởng lương hưu.
Bộ Lao động thương binh và xã hội đang sửa đổi dự thảo, tiến tới rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm và tiến tới giảm xuống 10 năm. Thông tin quy định về thời gian đóng được cập nhật mới sẽ được tại cổng thông tin bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Các phương thức đóng BHXH hiện nay
Song hành với những quyền lợi là trách nhiệm đóng BHXH đúng quy định. Vậy người lao động có thể đóng bảo hiểm xã hội theo những phương thức nào?
Với trường hợp đóng BHXH bắt buộc sẽ đóng theo địa bàn mà doanh nghiệp nơi NLĐ làm việc đặt trụ sở:
- Đóng hàng tháng: Thời gian chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng, công ty cần trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH.
- Đóng 3 hoặc 6 tháng 1 lần: Áp dụng cho các doanh nghiệp/tổ chức/hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm – ngư – diêm nghiệp, thực hiện trả lương theo sản phẩm.
Với trường hợp BHXH tự nguyện được quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Hình thức đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Người tham gia có thể mua BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc thường trú).
Tra cứu thông tin mã số BHXH như thế nào?
Hiện nay, khá nhiều người lao động không biết cách tra cứu thông tin bảo hiểm xã hội như thế nào? Dưới đây là 2 cách giúp bạn tra cứu thông tin BHXH của mình nhanh chóng, đầy đủ chi tiết nhất.
- Tra cứu bảo hiểm xã hội qua ứng dụng VssID – Ứng dụng của BHXH trên di động. Người lao động tải ứng dụng VssID về máy và đăng nhập tài khoản để tra cứu tất cả các thông tin về dịch vụ công.
- Tra cứu bảo hiểm thông qua bìa sổ bảo hiểm xã hội. Nếu bạn quên mã số BHXH có thể xem thông tin trên mặt trước của cuốn sổ.
Trên đây là các thông tin cơ bản về bảo hiểm xã hội dành cho người lao động. Người tham gia cần hiểu và nắm rõ thông tin liên quan đến: Bảo hiểm xã hội cũng như các chính sách, chế độ để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn có thêm các thông tin cần thiết để lựa chọn được cách thức tham gia bảo hiểm xã hội phù hợp nhất.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu