Cổ phiếu IDI có đáng đầu tư năm 2022 không?
Cổ phiếu IDI thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian gần đây nhờ sự bứt phá về giá sau nhiều năm đi ngang. Tuy nhiên, đây cũng là mã chịu nhiều sự tác động của yếu tố thị trường, đặc biệt là các yếu tố thương mại quốc tế. Sau đây hãy cùng Finhay tìm hiểu cũng như phân tích cổ phiếu IDI nhé!
Cổ phiếu IDI là gì?
Cổ phiếu IDI thuộc sở hữu của công ty đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia IDI. Đây là mã cổ phiếu được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Cổ phiếu IDI được phát hành bởi một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra đó là công ty cổ phần đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia IDI. Năm 2011, cổ phiếu IDI được niêm yết lần đầu trên sàn với mức giá chào bán là 18.000 VND.
Hiện nay, IDI đang được giao dịch trên thị trường trong khoảng giá 24.000 VND, khối lượng cổ phiếu lưu hành là hơn 227 triệu. Về vốn hóa thị trường, cổ phiếu IDI có vốn hóa hơn 5.300 tỷ VND với tỷ lệ P/E là 17 lần, P/B là 1.7 lần và EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) là gần 1.400 VND.
Giới thiệu tổng quan về công ty IDI
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia (viết tắt là IDI) được thành lập vào năm 2003. Sau 8 năm phát triển, công ty đã tiến hành đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu vào tháng 2/2011 với mã chứng khoán IDI.
Hiện tại I.D.I hoạt động trong 3 lĩnh vực chính như sau:
- Nuôi trồng, chế biến cá tra fillet đông lạnh để xuất khẩu.
- Kinh doanh bất động sản.
- Sản xuất và kinh doanh dầu cá.
Về địa bàn hoạt động, tính đến năm 2021, công ty đã xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến cá cho hơn 100 khách hàng thuộc 45 quốc gia và vùng lãnh thổ trên Thế giới. Trong đó, thị trường Trung Quốc – Hồng Kông chiếm tỷ lệ hơn 40% và thị trường Mexico chiếm hơn 24% tổng doanh thu xuất khẩu trong 02 năm gần nhất.
Hiện tại, công ty đang có những chiến lược nhằm phát triển doanh nghiệp trong dài hạn và củng cố vị thế trên thị trường xuất khẩu ca. Trong đó, một số định hướng chính có thể kể đến như sau:
- Tiếp tục phát triển lĩnh vực chiến lược của công ty là cá tra, cá basa đồng thời đầu tư quỹ bất động sản theo hướng bền vững.
- Tiến hành đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào nuôi trồng, chế biến thủy sản, bảo quản sản phẩm nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau sản xuất.
- Hình thành các vùng nuôi quy mô công nghiệp tập trung có diện tích lớn theo tiêu chuẩn ASC phù hợp với từng thị trường. Từ đó, tạo sản lượng cá tra công nghiệp lớn nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng một thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao.
- Giữ vững thị phần xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nam Mỹ, Trung Quốc… Đồng thời không ngừng mở rộng thị trường mới để tăng thị phần trên các nước và khu vực tiềm năng khác như Nga, Anh, Trung Đông, Ấn Độ, các nước Đông Âu, ….
- Tổ chức sản xuất thủy sản liên hoàn theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hình thành hệ thống liên kết kênh phân phối thủy sản trong và ngoài nước. Xây dựng mối quan hệ liên kết, chia sẻ lợi ích giữa các bên có liên quan và tạo môi trường thuận lợi nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Đặc biệt, công ty sẽ chú trọng giám sát đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo bảo cân bằng lợi ích giữa các công đoạn trong chuỗi giá trị của quá trình sản xuất thủy sản.
Lịch sử giá cổ phiếu IDI
Năm 2011, cổ phiếu IDI được phát hành lần đầu với mức giá chào sàn là 18.000 VND. Tuy nhiên sau đó IDI được giao dịch trên sàn với mức giá tương đối thấp, duy trì ở ngưỡng 2.000 VND – 11.000 VND.
Cho đến tháng 11 năm 2021, cùng với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung thì giá cổ phiếu IDI có sự bứt phá mạnh mẽ, có thời điểm đạt mức 24.000 – 28.000 VNĐ. Thậm chí là 32.000 VND vào giữa tháng 04 năm 2022.
Đến đầu tháng 5 năm 2022, cổ phiếu IDI bắt đầu có nhiều dấu hiệu giảm giá trong bối cảnh chứng khoán thế giới và chứng khoán Việt Nam đang đỏ lửa. Những ngày gần đây, IDI có sự hồi phục nhẹ về giá trong khoảng 20.000 VND – 23.000 VND.
IDI chi trả cổ tức như thế nào?
Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu IDI duy trì chính sách chi trả cổ tức đều đặn hàng năm trong giai đoạn 2012 – 2019. Hình thức chi trả có thể xen kẽ bằng cổ phiếu lẫn bằng tiền mặt với tần suất cao nhất đạt 5 lần một năm. Gần đây nhất là năm 2019, IDI đã chi trả cổ tức 2 lần, trong đó 1 lần là bằng tiền với tỷ lệ 500đ/CP và một lần bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:15.
Đối với năm 2021, căn cứ vào kết quả kinh doanh đạt được tích cực trong năm vừa qua, hội đồng quản trị IDI đã quyết định trình đại hội cổ đông phương án chi trả 15% cổ tức tiền mặt. Thời điểm chi trả dự kiến sẽ là trong quý II hoặc quý III năm 2022.
Đối với năm tài chính 2022, IDI lên chỉ tiêu đạt 8.300 tỷ đồng doanh thu và 900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kết quả thực hiện năm 2021 thì mức lợi nhuận này gấp 6,3 lần đồng thời là kỷ lục lợi nhuận của IDI kể từ khi thành lập.
Do đó, hội đồng quản trị IDI cũng đã quyết định trình đại hội cổ đông phương án chi cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 30% cho năm 2022. Đáng chú ý là hội đồng quản trị cũng xin ý kiến về việc cho phép tạm ứng một phần cổ tức năm 2022 ngay trong năm nay.
Như vậy trong năm 2022, cổ đông IDI sẽ có thể nhận tổng cổ tức là 45% bằng tiền mặt. Đây là mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất của IDI kể từ khi thành lập và cũng là mức rất hấp dẫn trên thị trường.
Phân tích cổ phiếu IDI
Năm 2020 và 2021, IDI đã chịu sự tác động mạnh của đại dịch Covid 19 và các chính sách giãn cách xã hội. Tuy nhiên, cuối 2021 và đầu năm 2022, cổ phiếu IDI đã chứng kiến sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ nhờ sự phục hồi của thị trường hậu Covid.
Kết quả kinh doanh và cơ cấu tài sản của IDI
Từ năm 2017 – 2019, doanh thu của IDI chứng kiến sự tăng trước tương đối tốt từ mức hơn 5.000 tỷ năm 2017 đến hơn 7.700 tỷ năm 2019. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 và 2021 trong bối cảnh bị tác động mạnh bởi Covid 19, doanh thu có chiều hướng giảm dần. Năm 2021, doanh thu chỉ đạt mức hơn 5.700 tỷ.
Về lợi nhuận sau thuế, chỉ tiêu này đạt đỉnh vào 2018 với mức hơn 630 tỷ, tuy nhiên giảm mạnh năm 2019 xuống còn 313 tỷ. Đến năm 2020 và 2021 cùng với sự sụt giảm của doanh thu thì lợi nhuận cũng giảm xuống mức chỉ còn gần 96 tỷ năm 2020 và gần 140 tỷ năm 2021.
Xét về yếu tố lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng thì công ty IDI có sự cải thiện tương đối tốt trong giai đoạn gần đây. Từ năm 2020 đến hết quý 3/2021, lợi nhuận gộp chỉ duy trì ở mức 6% – 9% trong khi lợi nhuận ròng là 0.8 – 1.9%. Tuy nhiên, quý 4 năm 2021 và đầu năm 2022, hai chỉ số này đã tăng đáng kể. Lợi nhuận gộp lần lượt đạt mức 11.45% và 16.27% trong khi lợi nhuận ròng đạt mức 6% và 10.6%.
Về cơ cấu tài sản của IDI, kể từ 2017 đến nay, tài sản duy trì ở mức 5700 tỷ đến 7700 tỷ VND. Trong đó, tỷ lệ tổng nợ trên tổng tài sản duy trì ở mức tương đối cao là từ 58% – 61%, vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản đạt mức 39%- 42%.
Nhận định cổ phiếu IDI có đáng đầu tư không
Để đưa ra nhận định về một cổ phiếu, nhà đầu tư cần có góc nhìn về những cơ hội và thách thức quan trọng tác động đến doanh nghiệp trong dài hạn. Sau đây là một số phân tích cổ phiếu IDI cả về tiềm năng lẫn rủi ro của công ty.
Tiềm năng của cổ phiếu IDI
Vị thế dẫn đầu ngành về mảng xuất khẩu cá tra: Hiện nay, IDI đang là một trong 5 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Điều này đạt được là nhờ IDI sở hữu chuỗi sản xuất khá khép kín, từ khâu con giống, chế biến thức ăn thủy sản đến chế biến, xuất khẩu cá tra và các phụ phẩm khác như bột cá, mỡ cá và dầu ăn.
Trong năm 2021, doanh số xuất khẩu của công ty đạt hơn 90 triệu USD, tương đương với năm 2020. Nhìn chung, IDI vẫn giữ vững thị phần ở các thị trường xuất khẩu truyền thống của mình như Trung Quốc – Hồng Kông (chiếm 40% toàn thị phần), Mexico (chiếm 24% thị phần), Ai Cập (chiếm 7% thị phần), EU (chiếm 5% thị phần).
Tiềm năng tăng giá cá tra xuất khẩu: Năm 2022 dự kiến giá cá tra sẽ có thể tiếp tục tăng, thậm chí là vượt đỉnh năm 2018 do thiếu nguyên liệu. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu cũng được dự đoán sẽ hồi phục tốt sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Với lợi thế vùng nguyên liệu tự chủ giúp đảm bảo sản xuất cùng với nguồn hàng dự trữ chiến lược có sẵn trong kho, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đa dạng. Nếu IDI chuẩn bị tốt lực lượng lao động phục vụ cho sản xuất thì chắc chắn sẽ đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2022.
Kế hoạch xây dựng nhà máy để tăng sản lượng đầu ra: Hiện nay, công ty đang có 2 nhà máy chế biến cá xuất khẩu. Trong đó, nhà máy đông lạnh số 1 có công suất thiết kế là 300 tấn nguyên liệu/ngày (hoạt động 12 giờ). Năm 2016, nhà máy số 2 cũng đã đi vào hoạt động với công suất thiết kế là 150 tấn nguyên liệu/12 giờ/ngày.
Tuy nhiên, hiện tại nhà máy này cũng đã hoạt động hết công suất mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các khách hàng lớn trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trong bối cảnh thế giới mở cửa giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa mạnh trở lại IDI đã công công bố kế hoạch xây dựng thêm nhà máy chế biến thủy sản số 3. Đây được xem là yếu tố sẽ thúc đẩy sự bứt phá về hiệu quả kinh doanh trong những năm sắp tới của doanh nghiệp này.
Rủi ro của cổ phiếu IDI
Trong thời gian sắp tới IDI có thể sẽ đối mặt với các thách thức sau:
Tỷ lệ vay nợ trên tổng vốn tương đối cao: Như đã trình bày ở trên, tỷ lệ nợ của IDI trong những năm gần đây duy trì ở mức 59% – 61%. Mức nợ vay cao này là do trong những năm vừa qua IDI đã liên tục triển khai đầu tư hàng loạt dự án lớn như: dự án nhà máy thức ăn thủy sản với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, dự án hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng công suất nhà máy tinh luyện dầu cá, phát triển vùng nuôi cá nguyên liệu.
Mặc dù các hoạt động này đều nhằm phục vụ cho đầu tư dài hạn, doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn trong tình hình thị trường đi xuống. Do đó, nhà đầu tư khi nhận định cổ phiếu IDI cần thực sự lưu tâm đến yếu tố này.
Rủi ro chính sách từ các thị trường xuất khẩu: Là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu, hoạt động sản xuất kinh doanh của IDI phụ thuộc lớn vào thương mại toàn cầu cũng như các chính sách thương mại của các quốc gia mà IDI xuất khẩu sản phẩm tới.
Các yếu tố này bao gồm chính sách bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật, các yếu tố kinh tế và chính trị, …. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là yếu tố tiên quyết để IDI giảm thiểu rủi ro cho mình.
Thị trường hàng đầu hiện nay của IDI còn tồn tại nhiều biến động: Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho mặt hàng cá tra của IDI nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thì tuy đang có mức tăng trưởng sản lượng khá cao nhưng Trung Quốc vẫn luôn được đánh giá là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giai đoạn gần đây, sự không ổn định về nhu cầu của quốc gia này trong bối cảnh thắt chặt các chính sách kiểm soát dịch Covid-19. Việc Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid khiến hàng hóa của Việt Nam bị ách tắc, ùn ứ ở các cảng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cá tra lại có đặc điểm thường không thể linh hoạt điều chỉnh nhanh theo thị trường khi bởi phải mất thời gian nuôi và chăm sóc cá. Đồng thời, các nhà máy vẫn phải duy trì sản xuất để giữ chân người lao động khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất dễ rơi vào phá sản nếu đầu ra khó khăn kéo dài.
Qua phân tích cổ phiếu IDI, chúng ta có thể thấy rằng cổ phiếu này vẫn còn dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ tiềm phát triển của thị trường cũng như kế hoạch mở rộng sản lượng của công ty. Tuy nhiên, các yếu tố tác động của thương mại quốc tế cũng như cung cầu từ thị trường mục tiêu sẽ có thể là rủi ro tạo nên những cú sốc mạnh cho cổ phiếu IDI. Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng theo dõi sát tình hình thị trường để có những quyết định đầu tư chính xác đối với mã cổ phiếu này.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu