Đầu tư vào gì khi khủng hoảng kinh tế?
Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng từng nghe đến cụm từ “khủng hoảng kinh tế”. Thời gian gần đây, khủng hoảng kinh tế được nhắc tới khá nhiều thể hiện tình trạng đi xuống, suy thoái của nền kinh tế trong thời gian dài. Liệu rằng, trong bối cảnh không mấy khả quan như vậy, chúng ta có nên xuống tiền đầu tư? Và nếu có nguồn tiền rảnh rỗi thì nên đầu tư vào gì khi khủng hoảng kinh tế? Hãy cùng Finhay đi tìm câu trả lời qua bài viết ngay dưới đây.
Tác động của khủng hoảng kinh tế tới đầu tư
Hiểu một cách đơn giản, khủng hoảng kinh tế (Economic Crisis) là tình trạng suy giảm nghiêm trọng và đột ngột ở bất kỳ bộ phận nào của nền kinh tế. Đó có thể là sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, lạm phát hoặc thất nghiệp tăng vọt hoặc một loạt các ngân hàng thất bại. Chúng có những tác động nghiêm trọng mặc dù không phải lúc nào chúng cũng dẫn đến suy thoái kinh tế.
Việt Nam có khủng hoảng kinh tế không? Câu trả lời là CÓ. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Thái Lan năm 1997, Việt Nam là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề. Tới cuộc khủng hoảng bất động sản tại Mỹ năm 2008, cũng gây suy thoái nhiều nước và ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam đã nỗ lực hết mình vượt qua giai đoạn khó khăn và khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế.
Nền kinh tế toàn cầu đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, bắt nguồn từ việc cung gián đoạn, làm suy yếu nhu cầu. Các thành phố bị phong tỏa, người dân cách ly tại nhà thì chi tiêu sụt giảm mạnh. Hậu quả, các doanh nghiệp gặp khó khăn và doanh thu gần như không đáng kể.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020, nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp. Đại bộ phận doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề thậm chí là phá sản.
Đầu tư vào gì khi khủng hoảng kinh tế
Vào thời điểm nền kinh tế gặp khủng hoảng, tiền bị mất giá? Hậu Covid-19 nên đầu tư vào vàng, bất động sản, ngoại hối, gửi tiết kiệm hay chứng khoán? Trong nguy có thực sự có cơ như mọi người vẫn hay nói? Đầu tư gì vừa an toàn vừa sinh lời cao?
Đầu tư vào vàng
Giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế, vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, kim loại quý này tuy lấp lánh nhưng cực kỳ khó nắm bắt. Theo phân tích của các chuyên gia, vàng đóng vai trò như một kho lưu trữ bảo vệ giá trị tài sản của nhà đầu tư theo thời gian. Tích trữ vàng góp phần xây dựng hàng rào chống lại sự mất giá mạnh của các loại tiền pháp định. Song để đầu tư vàng, cần phải nắm được thông tin và xác định được mục tiêu đầu tư.
Theo số liệu thống kê, kim loại này đã tạo ra lợi nhuận hàng năm là 5,81% trong 5 năm gần đây và 8,85% hàng năm trong 15 năm qua. Giá vàng trong nước không chỉ được xác định bởi mối quan hệ cung-cầu, mà còn chịu ảnh hưởng từ các lực lượng đầu cơ, rủi ro tiền tệ.
Gần đây trong những biến động cực đoan của thị trường gây ra bởi cuộc khủng hoảng COVID-19, giá vàng đã giảm mạnh 11,78% từ ngày 9 – 18/3, một phần do sự tăng giá đồng thời của đồng USD. Bởi vậy, các nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng khi dồn tiền vào vàng.
Đầu tư vào thương mại điện tử
Thương mại điện tử là ngành hiếm hoi không chỉ trụ vững mà còn phát triển thần tốc sau Covid. Đây là ngành hứa hẹn tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Nếu có vốn trong giai đoạn này bạn có thể đầu tư vào việc phát triển gian hàng của mình trên các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo…Vốn đầu tư vào các gian hàng này không quá lớn. Bạn chỉ cần tìm được nguồn hàng và có các chương trình marketing hấp dẫn là đã có thể bán hàng và sinh lời từ kênh này.
Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính quy mô tăng trưởng ngành thương mại điện tử sẽ đạt mức 15 tỷ USD. Khảo sát mới nhất của Nielsen Việt Nam cũng chỉ ra, 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. Dịch có thể kéo dài trong thời gian sắp tới. Vậy nên đầu tư vào thương mại điện tử có thể là câu trả lời phù hợp cho câu hỏi Đầu tư vào gì khi khủng hoảng kinh tế.
Đầu tư vào chứng khoán
Đầu tư chứng khoán sẽ mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư nhờ phần chênh lệch giá hoặc hưởng cổ tức. Chứng khoán có thể tăng hoặc giảm không theo quy luật đặc biệt là cổ phiếu. Vì vậy, bên cạnh khả năng sinh lời cũng tiềm ẩn rủi ro. Việc tăng hoặc giảm giá chứng khoán phụ thuộc cả vào yếu tố cơ bản và yếu tố kỹ thuật.
Trong đó, các yếu tố cơ bản chịu tác động từ nền kinh tế vĩ mô, tình hình chính trị quốc gia, ngành nghề và khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Yếu tố kỹ thuật bao gồm mức cung cầu thị trường, thị yếu, tâm lý của các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư có thể thành công trên thị trường chứng khoán nếu như có khả năng nhìn nhận, phán đoán, phân tích và xử lý tình huống tốt. Khi đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn, kiến thức và tâm lý sẵn sàng, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tìm đến chứng khoán để nâng cấp dòng tiền của mình.
Việc đầu tư chứng khoán sẽ dễ dàng hơn trong giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng và được hỗ trợ cung cấp thông tin từ Chính phủ, ngành kinh doanh và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn luôn có diễn biến phức tạp, khó lường trước và thực tế cho thấy khi gặp những biến cố lớn như khủng hoảng kinh tế thì việc sụp đổ hoàn toàn có thể xảy ra.
Với diễn biến xấu, dưới tác động của dịch bệnh, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, có nguy cơ thua lỗ hoặc phá sản. Cổ phiếu đại diện cho giá trị của doanh nghiệp có chiều hướng đi xuống, phản ánh đúng thực trạng đang diễn ra. Nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp này có thể làm giảm giá trị tài sản của nhà đầu tư. Cổ tức nhà đầu tư được nhận, bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp không có lợi nhuận.
Lúc này, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các loại hình chứng khoán khác như trái phiếu, nhờ đặc tính ít rủi ro mà vẫn duy trì được lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi suất thực nhận từ trái phiếu cũng có thể bị giảm đi trong giai đoạn này.
Đầu tư an toàn vào quỹ đầu tư
Ngoài hình thức đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro, bạn có thể lựa chọn hình thức đầu tư thông qua các quỹ đầu tư. Loại hình này được quản lý rủi ro chặt chẽ bởi các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tại nhà quản lý quỹ, công ty quản lý quỹ.
Dù vậy, việc thị trường có dấu hiệu đi xuống cũng khiến danh mục đầu tư của quỹ suy giảm. Bù lại, các nhà quản lý quỹ, các chuyên gia tài chính có thể điều chỉnh hợp lý hơn cho danh mục, nắm giữ các loại tài sản ít rủi ro khác để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
Các tiêu chí tìm một công ty quản lý quỹ tốt:
- Công ty nhận được nhiều sự tin tưởng từ các nhà đầu tư.
- Trang web và các tài liệu cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin
- Có uy tín tốt và hoạt động lâu năm trên thị trường tài chính
- Đội ngũ chuyên gia đầu tư giàu kinh nghiệm và ổn định.
- Các khoản đầu tư quỹ đang quản lý có kết quả hoạt động tốt, sinh lời cao hơn các quỹ cùng loại khác và có lợi nhuận cao hơn lợi nhuận tham chiếu.
- Thường xuyên công bố thông tin, tình hình vốn-lãi đến nhà đầu tư.
- Danh mục đầu tư đa dạng với nhiều cổ phiếu, trái phiếu của nhiều ngành khác nhau.
Trên thị trường hiện nay có một số quỹ đầu tư có thể đáp ứng hầu hết các tiêu chí trên mà bạn có thể cân nhắc lựa chọn như: SSI; VCBF, ENF; MAFEQI; VCBF – TBF; VFF,… với mệnh giá và số lượng chứng chỉ quỹ đa dạng.
>> [Cập nhật] Danh sách các quỹ đầu tư tại Việt Nam lớn và uy tín nhất năm 2021
Đầu tư bất động sản
Có nên mua bất động sản thời điểm này không? Trong tất cả phân khúc bất động sản thì hiện nay đất nền là sản phẩm dễ tìm nguồn cung nhất. Tùy vào vị trí mà đất có những mức giá đa dạng khác nhau phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Dù thị trường bất động sản nói chung bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thì phân khúc đất nền vẫn là điểm sáng. Mua đất vào thời điểm này sẽ giúp nhà đầu tư sở hữu được mảnh đất vàng hiếm có. Hơn nữa, đầu tư vào bất động sản giai đoạn này về cơ bản vẫn tạo nên sự an toàn cao cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên với những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, với kinh nghiệm và tiềm lực vốn chưa đủ mạnh thì nên cân nhắc và cẩn trọng. Đặc biệt là yếu tố pháp lý cần đặc biệt lưu tâm, bạn nên xem xét kỹ miếng đất sắp mua có phải chính chủ, có đầy đủ giấy tờ không. Xem qua nhiều sản phẩm rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Với quỹ tiền hạn hẹp nên lựa chọn đầu tư theo nhóm để cộng hưởng kinh nghiệm và giảm thiểu rủi ro.
Bí quyết đầu tư hiệu quả khi khủng hoảng kinh tế
Để đương đầu với diễn biến xấu của khủng hoảng kinh tế, nhà đầu tư nên giữ vững tâm lý và phân tích kỹ lưỡng những gì cần làm. Bảo vệ nguồn vốn sẽ là việc ưu tiên, trong đó chấp nhận một khoản lỗ nhỏ bằng cách tạm thời rời khỏi thị trường cũng cần được tính đến.
Xét trên khía cạnh khác, trong rủi ro vẫn luôn có cơ hội, nhà đầu tư lúc này có thể tìm ra những tài sản tốt với mức giá rẻ hơn và chờ đợi tăng giá vào thời điểm thị trường phục hồi. Một số biện pháp các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc trong tình trạng kinh tế khủng hoảng như:
Tích trữ tiền mặt
Nhìn chung, tiền của bạn có thể được tích trữ dưới dạng 7 loại hình sau: Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, vàng, tiền ảo, cổ phiếu, trái phiếu, và bất động sản. Tỷ lệ phân chia tích lũy này thay đổi linh hoạt theo tình hình bối cảnh thị trường và được gọi là phân bố tài sản.
Quản lý tiền bạc trong thời kỳ khủng hoảng, đơn giản là sự phân bố tài sản này một cách hợp lý nhất vào bảy khoản tích lũy. Tiền gửi ngân hàng, cũng là một khoản tích lũy an toàn nhưng rắc rối với tiền trong ngân hàng là nó “không phải tiền của bạn”. Nếu ngân hàng gặp các trục trặc tài chính thì tiền của bạn cũng sẽ khó để thu hồi lại sớm.
Vậy tốt nhất, bạn hãy tự bảo quản tiền của mình, cất trữ một khoản tiền mặt để sống sót qua thời kỳ đen tối này. Tiền mặt cũng có những lợi thế riêng của nó. Nếu bạn chưa biết cách phân bố khoản tích lũy vào tài sản nào thì hãy giữ tiền mặt. Điều này ít nhất có thể mang lại cho bạn cảm giác yên tâm, vì đồng tiền nằm trong tay bạn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các tác nhân khác trên thị trường.
Đầu tư cho kiến thức
Chìa khóa để quản lý tiền của bạn trong thời kỳ suy thoái là giữ bình tĩnh và thật sáng suốt. Đừng để cảm xúc lấn át, chi phối quyết định xuống tiền của bạn. Để làm được điều đó bạn phải có đủ kiến thức và kinh nghiệm thị trường để đưa ra phán đoán chính xác. Là một nhà đầu tư bạn cần trang bị kiến thức về tài chính, kinh tế vi mô, vĩ mô, quản trị rủi ro… Việc trang bị này sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều so với việc đầu tư theo cảm hứng.
Đầu tư cho sức khỏe
Có lẽ điều này ai cũng biết, nhưng lại vô tình lãng quên khi mải mê chạy theo mục tiêu tài chính dài hạn của mình. Trong bối cảnh dịch bệnh, hãy đầu tư nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe cho mình và những người thân trong gia đình. Bởi, nếu để bản thân bị nhiễm bệnh không chỉ mất chi phí chữa trị, mất thời gian mà còn mất rất nhiều cơ hội tốt để đầu tư.
Theo dõi thị trường
Những tác động của đại dịch Covid đã khiến thế giới biến động từng giờ từng phút một. Vì vậy, khi đầu tư vào bất kỳ tài sản nào bạn cũng cần dành thời gian để theo dõi tình hình thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế. Bởi nó cũng có những tác động nhất định tới giá trị tài sản bạn đang nắm giữ trong tương lai.
Tuy nhiên, bạn nên giữ bình tĩnh khi tiếp nhận các thông tin này. Những cảm xúc lo lắng, sợ hãi khi khủng hoảng xảy ra sẽ dễ khiến bạn có những suy nghĩ phi lý. Và đó không phải là cách tốt để bảo vệ tiền của bạn.
Nắm bắt cơ hội
Có nhiều cách để xem xét, nhìn nhận một cuộc suy thoái. Những người bi quan xem đó là ngày tận thế nhưng người lạc quan coi đó là cơ hội tốt để kiếm lời. Mọi người thường có xu hướng bán tài sản tích lũy trong thời kỳ suy thoái, vì sợ rằng sau đó tính thanh khoản của chúng sẽ giảm.
Vì vậy bạn có thể mua được những tài sản đó với giá tốt. Nếu có thể, hãy đầu tư để mua các món hời đó. Chúng sẽ tăng giá trở lại khi khủng hoảng qua đi. Tận dụng tốt các cơ hội này sẽ giúp bạn gia tăng tài sản nhanh chóng.
Trên đây là một số gợi ý cho câu hỏi nên đầu tư vào gì khi khủng hoảng kinh tế. Hy vọng qua bài viết, các nhà đầu tư đã tìm ra câu trả lời phù hợp với mình. Chúc các bạn trụ vững qua đại dịch và đầu tư thành công.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu