Các hình thức và ưu nhược điểm của việc niêm yết chứng khoán
Niêm yết chứng khoán là một trong những mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp và công chúng cũng thường đánh giá cao các công ty được niêm yết chứng khoán. Vậy niêm yết chứng khoán có những ưu điểm và hạn chế gì? Có các hình thức niêm yết nào? Bài viết dưới đây sẽ đem tới cho bạn những ưu nhược điểm của việc niêm yết chứng khoán đối với doanh nghiệp và các hình thức niêm yết phổ biến nhất.
Mục đích các công ty muốn niêm yết cổ phiếu là gì?
Việc niêm yết cổ phiếu được thực hiện với mục đích thiết lập quan hệ hợp đồng giữa tổ chức phát hành chứng khoán với Sở giao dịch chứng khoán. Từ đó hình thành các quy định rõ ràng về nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức phát hành đối với việc công bố các thông tin. Doanh nghiệp cần đảm bảo việc công bố thông tin tin minh bạch, trung thực và công bằng.
Niêm yết cổ phiếu cũng góp phần hỗ trợ thị trường hoạt động một cách ổn định hơn, bằng cách định hướng nhà đầu tư nhận định và giao dịch với những chứng khoán có chất lượng cao. Điều này giúp thị trường chứng khoán xây dựng được sự tin cậy trong mắt công chúng.
Thông qua việc niêm yết cổ phiếu công khai, sự biến động giữa cung và cầu trên thị trường chứng khoán sẽ được phản ánh rõ ràng, giúp định hình giá cả thị trường. Nhờ đó mà giá chứng khoán được xác định một cách công bằng trên thị trường đầu tư.
Phân loại các hình thức niêm yết chứng khoán
Niêm yết chứng khoán được chia thành nhiều phân loại dựa vào nhu cầu và hình thức niêm yết khác nhau. Dưới đây là một số hình thức niêm yết phổ biến nhất.
Niêm yết lần đầu
Niêm yết lần đầu diễn ra khi hoạt động của tổ chức phát hành đáp ứng các tiêu chuẩn để niêm yết chứng khoán. Đó là lần đầu tiên chứng khoán của đơn vị phát hành được Sở giao dịch chứng khoán cho phép đăng ký niêm yết giao dịch sau khi phát hành ra công chúng.
Niêm yết bổ sung
Niêm yết bổ sung là quá trình Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận cho cho các cổ phiếu mới của một công ty được quyền niêm yết nhằm mục đích tăng vốn, chi trả cổ tức, sáp nhập hay thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Thay đổi niêm yết
Thay đổi niêm yết là thuật ngữ dùng để chỉ thời điểm doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết đổi tên chứng khoán, mệnh giá, khối lượng hay tổng giá trị chứng khoán được niêm yết của mình.
Niêm yết lại
Niêm yết lại được hiểu là hoạt động Sở giao dịch chứng khoán cho phép một đơn vị phát hành được tiếp tục niêm yết các chứng khoán từng bị hủy bỏ niêm yết trước đó vì những lý do không đáp ứng được các điều kiện để có thể duy trì niêm yết.
Niêm yết cửa sau
Hiểu một cách đơn giản thì niêm yết cửa sau là cách một công ty được niêm yết chứng khoán dù không đáp ứng đủ các yêu cầu để được niêm yết. Niêm yết cửa sau được thực hiện bằng cách mua lại một công ty khác đã được niêm yết, nhờ cách này mà công ty tránh được quá trình chào bán công khai và vẫn được đưa vào một sàn chứng khoán.
Niêm yết cửa sau cũng có thể xảy ra trong trường hợp một đơn vị đã được niêm yết tham gia vào hiệp hội cùng một đơn vị khác không niêm yết, kết quả của việc này là tổ chức không niêm yết có được quyền kiểm soát từ tổ chức niêm yết.
Niêm yết toàn phần
Niêm yết toàn phần được hiểu là việc công ty sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng thì thực hiện niêm yết tất cả các cổ phiếu trên một Sở giao dịch chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài.
Niêm yết từng phần
Ngược lại với hình thức được đề cập phía trên, niêm yết từng phần là là việc công ty chỉ niêm yết một phần trong toàn bộ số chứng khoán đã phát hành ra công chúng trong lần phát hành đó, phần chứng khoán còn lại không hoặc chưa được niêm yết.
Niêm yết từng phần là hình thức thường diễn ra ở các doanh nghiệp lớn và do Chính phủ kiểm soát theo quy định của pháp luật hiện hành. Ở những doanh nghiệp niêm yết từng phần, chủ yếu phần cổ phiếu không được niêm yết được nắm giữ bởi tổ chức đại diện Chính phủ hoặc Chính phủ trực tiếp nắm giữ, còn những phần phần chứng khoán được niêm yết còn lại sẽ phát hành ra thị trường và thuộc về các nhà đầu tư cá nhân.
Ưu và nhược điểm của việc niêm yết chứng khoán
Ưu điểm của việc niêm yết chứng khoán
Công ty dễ dàng huy động vốn
Khi tham gia niêm yết cổ phiếu, uy tín doanh nghiệp gia tăng cộng thêm tính thanh khoản cao sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế để huy động vốn một cách nhanh chóng, dễ dàng và thuận lợi.
Huy động vốn bằng cách này, doanh nghiệp không phải trả vốn gốc hay thanh toán lãi vay như việc vay nợ. Qua đó giúp giảm bớt một gánh nặng tài chính và doanh nghiệp có thể nắm quyền chủ động phân phối nguồn vốn huy động cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của doanh nghiệp.
Tác động đến công chúng
Để được niêm yết chứng khoán, Doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe về mặt tài chính, hiệu quả kinh doanh cũng như nhiều điều kiện khác theo quy định của pháp luật. Việc một công ty được niêm yết chứng khoán cho thấy nó đang hoạt động rất tốt.
Chính vì vậy mà việc được niêm yết trên sàn chứng khoán góp phần không nhỏ trong việc gia tăng uy tín của doanh nghiệp trong mắt công chúng cũng như các nhà đầu tư. Đây được coi là một hình thức quảng cáo rất hiệu quả cho hoạt động kinh doanh hay tìm kiếm đối tác.
Nâng cao tính thanh khoản cho chứng khoán
Cổ phiếu của doanh nghiệp được niêm yết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển nhượng cổ phiếu của các cổ đông. Qua đó tăng tính thu hút của cổ phiếu đối với những nhà đầu tư.
Ưu đãi về thuế
Đây được xem là một lợi thế rất lớn cho những đơn vị có được niêm yết chứng khoán, quy định về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp niêm yết chứng khoán đã được quy định rõ ràng trong văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành.
Nhược điểm của niêm yết chứng khoán
Nghĩa vụ báo cáo của một công ty đại chúng
Nhận được sự quan tâm của công chúng đồng nghĩa với việc áp lực cũng không nhỏ, đơn vị được niêm yết chứng khoán luôn phải chịu áp lực từ sự chú ý của xã hội, áp lực từ hiệu quả sản xuất – kinh doanh nhằm duy trì và tăng giá cổ phiếu. Hiển nhiên những người có vị trí càng cao trong doanh nghiệp thì áp lực càng lớn.
Bên cạnh đó, một bất lợi cho doanh nghiệp có cổ phiếu được niêm yết đó là phải công khai những thông tin về tình hình tài chính, doanh thu hay chiến lược phát triển. Đó là những thông tin trọng yếu quyết định rất lớn đến thành bại của một doanh nghiệp và sẽ rất nguy hiểm khi đối thủ cạnh tranh nắm được.
Những cản trở trong việc thâu tóm và sáp nhập
Hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) tại Việt Nam được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có Luật Chứng khoán năm 2019. Văn bản quy phạm pháp luật này quy định khá nhiều khía cạnh trong vấn đề giải quyết cổ phiếu giữa công ty mua và công ty mục tiêu. Các doanh nghiệp niêm yết chứng khoán cần đặc biệt quan tâm và tìm hiểu kỹ nếu muốn mua lại sáp nhập công ty.
Tăng chi phí
Sau khi niêm yết, hàng năm, doanh nghiệp có thể sẽ phải tổ chức các cuộc họp công bố thông tin, đại hội đồng cổ đông. Đồng thời, đơn vị phát hành cũng phải thuê công ty kiểm toán, thiết lập phòng quan hệ và có đội ngũ nhân sự để làm việc với cổ đông. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm nhiều chi phí sau khi niêm yết.
Trên đây là các ưu nhược điểm của việc niêm yết chứng khoán. Có thể thấy dù tạo ra một số rào cản nhưng việc niêm yết chứng khoán đa phần đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà đây luôn là một trong những cột mốc mà nhiều đơn vị đang nỗ lực để chạm đến trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu