Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị bắt, quyền lợi của người mua trái phiếu sẽ ra sao?
Chủ tịch tập đoàn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã bị bắt với cáo buộc gian dối trong hoạt động phát hành, mua bán trái phiếu, chiếm đoạt khối lượng tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điều này đã dẫn tới việc nhiều người ồ ạt rút tiền tại các chi nhánh của ngân hàng SCB. Vậy toàn cảnh vụ việc này thế nào? Quyền lợi của nhà đầu tư đang sở hữu trái phiếu Vạn Thịnh Phát sẽ ra sao?
Vạn Thịnh Phát kinh doanh gì?
Vạn Thịnh Phát là một trong những tập đoàn lớn tại Việt Nam, với vô số dự án bất động sản hấp dẫn tại TP HCM. Bên cạnh đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTPGroup) còn có nhiều hoạt động liên quan tới các tổ chức tài chính lớn trên thị trường.
VTPGroup thành lập vào năm 1991, có tiền thân là công ty tư doanh đầu tiên tại TPHCM với số vốn điều lệ gần 35 triệu USD. Đây là con số không hề nhỏ tại thời điểm đó. Sau hơn 30 năm hoạt động, Vạn Thịnh Phát hiện đang có số vốn điều lệ hơn 549 triệu USD, vào khoảng 13,1 ngàn tỷ đồng.
Vạn Thịnh Phát đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, F&B và dịch vụ tài chính.
Ai đứng sau Vạn Thịnh Phát?
Vạn Thịnh Phát từng được mệnh danh là tập đoàn gia đình giàu có và bí ẩn top đầu tại Việt Nam. Gia tộc họ Trương – gia tộc sở hữu VTPGroup rất ít khi xuất hiện trên truyền thông và trên website cũng chỉ có một vài dòng giới thiệu về các chủ sở hữu.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan và chồng – ông Eric Chu Nap Kee. Ông Eric là một doanh nhân người Hồng Kông, nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản.
Hai doanh nhân có 2 người con gái, là Chu Duyệt Hằng hay Elizabeth – sinh năm 1994 và em gái Chu Duyệt Phấn – sinh năm 1995. Khi mới 22 tuổi, Elizabeth Chu đã trở thành chủ tịch của ZS Hospitality Group. Đây là một trong những công ty con thuộc hệ sinh thái của VTPGroup.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn có 2 người cháu ruột là Trương Huệ Vân – con gái của ông Trương Chí Trung là một trong những cổ động lớn của VTPGroup và Trương Lập Hưng.
Bà Vân hiện đang giữ nhiều chức vụ quan trọng như tổng giám đốc VTPGroup, Tổng giám đốc WMC Group, đại diện pháp luật của CTCP Thiết kế và Trang trí Nội thất Norah, CTCP Đầu tư Redwood Holdings, CTCP Blue Horizon… Trong đó, WMC Group là một trong những đối tác quan trọng của Vạn Thịnh Phát và là công ty quản lý nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại nổi tiếng hàng đầu tại Sài Thành.
Ông Trương Lập Hưng hiện cũng đang giữ vai trò đại diện pháp luật của nhiều công ty con trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, trong đó có Công ty TNHH The Recipe.
Hai người con gái và cháu của Bà Lan hiện đang là chủ nhân của những căn biệt thự tại khu đất vàng của TPHCM, trong đó có căn biệt thự rộng 2.800m2, 3 mặt tiền tại quận 3 TPHCM.
Dù có khối lượng tài sản Khủng, sở hữu nhiều dự án tại những vị trí xa hoa bậc nhất TPHCM nhưng đời sống của các thành viên gia tộc họ Trương lại rất ít được công khai, các thành viên gần như không xuất hiện trước truyền thông và thường chỉ được nhắc tới trong các hoạt động xã hội.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
VTPGroup có hệ sinh thái đa dạng, với nhiều công ty sở hữu vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng. Dưới đây là các công ty nghìn tỷ trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát:
VTP Investment Group
VTP Investment Group hay còn được biết đến với tên gọi là CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát. Đây là một trong những công ty trung tâm của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với số vốn đăng ký là 12.800 tỷ đồng .
Cổ đông chính của VTP Investment Group là bà Trương Mỹ Lan và VTP Group Holdings với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 15% và 41%.
CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula
Sài Gòn Peninsula có số vốn đăng ký 18.000 tỷ đồng. Đây là công ty có số vốn điều lệ lớn nhất trong hệ sinh thái của VTP Group.
Sài Gòn Peninsula là chủ đầu tư của dự án Sài Gòn Peninsula hay còn được gọi là dự án công viên Mũi Đèn đỏ, có quy mô 118 ha, nằm ở ngã 3 sông Sài Gòn giao với sông Nhà Bè. Dự án này có số vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD.
Sai Gon Investment Group
Sai Gon Investment Group có vốn đăng ký hơn 12.700 tỷ đồng, thành lập vào tháng 2/2016. Cổ động lớn nhất của Sai Gon Investment Group là VIPD Group với 30,4% vốn.
VIPD Group
VIPD Group có số vốn đăng ký vào khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp đã mua lại Vincom Centre A từ Vingroup vào năm 2013 và đổi tên thành Union Square. Thời điểm đó, dự án có giá gần 10,000 tỷ đồng.
VIPD
VIPD và VIPD Group là 2 doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau. VIPD có tên tiếng Việt là CTCP Phát triển Hạ Tầng và BĐS Việt Nam. Ban đầu, VIPD có tên gọi là CTCP Đầu tư và xây dựng An Thái.
Ngoài ra, trong hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát còn có tập đoàn An Đông, vốn đăng ký 9.000 tỷ đồng và SDI Corp. Trong đó, An Đông là chủ đầu tư của Trung tâm thương mại An đông và khách sạn Windsor Plaza, còn SDI Group là chủ đầu tư của Sài Gòn An Bình. Đây là siêu dự án có quy mô lên tới 117 ha.
Mối quan hệ của Vạn Thịnh Phát trong ngành tài chính
Vạn Thịnh Phát là tập đoàn có hoạt động sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm. VTPGroup có mối liên hệ mật thiết với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhờ việc thực hiện tái cơ cấu 3 ngân hàng, bao gồm: Ficombank, Tinnghiabank và SCB.
Đến hết quý 2 năm 2022, SCB đã sở hữu khối tài sản hơn 761 nghìn tỷ đồng. Điều này giúp ngân hàng này trở thành ngân hàng tư nhân có số vốn lớn nhất, chỉ sau 4 ngân hàng nhà nước là Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank.
Sau khi hợp nhất, SCB đã có sự thay đổi lớn trong thành phần ban điều hành và Hội đồng quản trị. Trong đó, phần lớn các vị trí chủ chốt đều do các cổ đông lớn từ Công ty cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát và CTCP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú nắm giữ.
Ngoài Vạn Thịnh Phát, SCB còn có mối liên hệ với CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Kể từ năm 2016, TVSI và SCB đã chính thức trở thành đối tác hợp tác toàn diện, hỗ trợ nhau trong phát triển dịch vụ.
Ông Nguyễn Tiến Thành – cố chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Tân Việt cũng là thành viên HĐQT Độc lập của SCB từ năm 2017.
Nguồn: Vietstock
Toàn cảnh vụ việc chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt
Ngày 8/10 vừa qua, bà Trương Thị Lan – chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã bị cơ quan cảnh sát điều tra (C03) bộ Công An khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Bên cạnh đó, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công An cũng cho biết, C03 đã quyết định khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông và các đơn vị liên quan.
Nhà chức trách xác định, bà Lan và các đồng phạm đã có hành vi gian lận trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trong thời gian từ năm 2018 – 2019. Từ đó chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Cùng với bà Lan, các bị can Trương Huệ Vân ( Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (trợ lý CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Hồ Bửu Phương (cựu chủ tịch TVSI) cũng bị khởi tố, tạm giam về cùng tội danh.
Quyền lợi của người mua trái phiếu Vạn Thịnh Phát sẽ ra sao?
Trước các thông tin chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị bắt, nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo lắng về quyền lợi của mình khi sở hữu trái phiếu của Vạn Thịnh Phát và trái phiếu An Đông. Liệu rằng ai sẽ là người trả tiền cho người mua trái phiếu?
Tương tự như trường hợp của trái phiếu Tân Hoàng Minh, theo các chuyên gia, ai phát hành trái phiếu sẽ là người trả tiền.
Chẳng hạn như trong trường hợp của CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông, thuộc VTPGroup, trong thời gian vừa qua, đơn vị này đã phát hành lượng trái phiếu khoảng 25 nghìn tỷ đồng, thời gian đáo hạn là 2023 – 2024. Vậy, trong trường hợp này, người có trách nhiệm trả tiền cho nhà đầu tư là CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông.
Tuy nhiên, vấn đề là, nhiều nhà đầu tư chưa thực sự biết mình mua trái phiếu của ai, hợp đồng là gì. Và quan trọng hơn, người mua được tư vấn thế nào trước khi bỏ tiền mua trái phiếu?
So với gửi tiết kiệm ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao hơn, vì thế, hình thức này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Do có lãi suất cao nên mức độ rủi ro cũng sẽ cao hơn. Nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi lựa chọn đầu tư vào trái phiếu.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, trong trường hợp công ty phá sản, các trái chủ sẽ là đối tượng sau cùng được nhận tiền, sau khi công ty đã xử lý nợ theo trình tự ưu tiên là: nợ ngân hàng – nợ công nhân viên và nhà nước.
Đối với trường hợp của An Đông, nếu doanh nghiệp không tuyên bố phá sản sản, khi đến kỳ hạn thanh toán nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, người sở hữu trái phiếu có thể chọn phương án thỏa thuận hoặc nộp đơn yêu cầu tuyên bố phá sản ra tòa án. Khi đó, mọi trình tự sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới vụ việc của Vạn Thịnh Phát, nhiều người cũng hoang mang về việc, liệu hiện nay, ngân hàng SCB có an toàn không? Sau thông tin bà Lan bị bắt, nhiều nhà đầu tư đã ồ ạt đi rút tiền tại các chi nhánh của SCB ngay trong sáng 8/10. Đến sáng nay, 10/10, số lượng người đi rút tiền vẫn còn rất đông.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Ngân hàng nhà nước, người dân không nên rút tiền trước thời hạn để tránh mất các quyền lợi theo quy định của pháp luật. NHNN khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để các hoạt động diễn ra bình thường. Đồng thời, có các giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, giữ vững ổn định của hệ thống tín dụng nói chung và của SCB nói riêng.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu