White Paper là gì? Cách đọc sách trắng để tìm dự án Crypto tiềm năng
White Paper hay còn gọi là Sách trắng, là một thuật ngữ mà chắc chắn bạn đã gặp rất nhiều khi tìm hiểu và đầu tư vào các dự án Initial Coin Offering (ICO) – đợt phát hành token lần đầu. Trong thị trường Cryptocurrency bất cứ dự án ICO nào khi phát hành cũng cần có một bản White Paper. Để hiểu và tìm được dự án crypto tiềm năng, hãy cùng Finhay tìm hiểu White Paper (Sách trắng) là gì nhé!
White Paper là gì? Gồm những thông tin gì?
White Paper hay sách trắng là một bản báo cáo hay bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền nhằm giúp cho người đọc hiểu, giải quyết hoặc ra một quyết định về một vấn đề.
Còn trong lĩnh vực Cryptocurrency, White paper là một bản thảo để mô tả chi tiết về dự án ICO mà một nhóm nhà phát triển hay một công ty sẽ thực hiện. Khi các nhà phát triển xuất bản sách trắng, nó được coi như một lời giải thích về công nghệ và mục đích dự án của họ. Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu về nguồn gốc và mục đích của tiền điện tử từ phần này. Thông qua sách trắng để có cái nhìn tổng quan về dự án để đưa ra quyết định có nên đầu tư vào dự án tiền điện tử này hay không?
Nếu một dự án ICO được giới thiệu mà không có White Paper thì bạn cũng nên cân nhắc có nên tham gia đầu tư vào dự án này không? Thông thường với một dự án thiếu sự minh bạch như vậy sẽ không thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Một bản White Paper đầy đủ cần có:
- Các vấn đề thị trường hiện tại
- Đưa ra sản phẩm và các giải pháp
- Kích thước thị trường và tình hình cạnh tranh
- Cách thức hoạt động của Token
- RoadMap thể hiện các mốc thời gian phát triển
- Chiến lược ICO: Gồm có số lượng token sẽ phát hành, phân bổ như thế nào, giá token, Hardcap và Softcap, giai đoạn mở bán ICO, cách thức thanh toán
- Các ưu đãi quyền sở hữu token
- Đội ngũ phát triển, các đối tác của dự án
- Vấn đề pháp lý của Token
- Các chiến lược quảng bá
Ví dụ về sách trắng
Một số sách trắng nổi tiếng mà bạn có thể tham khảo là sách trắng của hai dự án thành công nhất thị trường tiền điện tử hiện nay là Whitepaper của Bitcoin và Whitepaper của Ethereum. Whitepaper của Bitcoin tác giả ẩn danh Satoshi Nakamoto được xuất bản năm 2008 không chỉ là “sách trắng” theo nghĩa truyền thống mà có thể coi là một bài báo học thuật.
Whitepaper của Ethereum thì ngược lại. Đó là một tài liệu được cập nhật và chỉnh sửa liên tục. Đây là lý do vì sao Whitepaper của Ethereum chuyển từ dạng sách trắng sang dạng tài liệu hướng dẫn hay tài liệu kỹ thuật tham khảo.
Ngoài ra, để có thể có thêm kiến thức khi tìm hiểu sách trắng, các nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu qua các dự án khác như Quoine, DigixDAO trước khi chọn lọc các dự án tiềm năng.
Tầm quan trọng của white paper
Ngày nay khi mà có nhiều token xuất hiện trong thế giới tiền điện tử, thì các nhà đầu tư cũng như các nhà phát triển của dự án bắt đầu nhìn nhận white paper là một tài liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển của dự án trong tương lai.
Đối với dự án
Đầu tiên, có thể thấy White Paper đóng vai trò như một công cụ thu hút các nhà đầu tư tiềm năng. Sách trắng thường được sử dụng bởi các dự án mới hoặc chỉ là các ý tưởng mới mà chưa có sản phẩm dịch vụ gì.
Để thu hút cộng đồng và gây quỹ cho dự án thì đội ngũ phát triển dự án cần đưa ra những lý do thuyết phục để mọi người thấy tại sao dự án lại hấp dẫn để đầu tư. Nếu các thông tin trong Whitepaper thể hiện một cách sơ sài và lộ trình phát triển phi thực tế, khó có thể đạt được thì sẽ khiến cộng đồng dễ dàng bỏ qua dự án đó.
Ngoài ra, sách trắng là phương tiện cung cấp thông tin cho cộng đồng đầu tư tiền điện tử. Whitepaper thường được công khai và được đăng tải rộng rãi khắp cộng đồng trong khoảng thời gian trước khi dự án ra mắt. Điều này nhằm thông báo cho các nhà đầu tư các thông tin quan trọng liên quan đến dự án như thời gian mở bán token, giá token niêm yết công khai và địa điểm mở bán token, cách thức tham gia sự kiện airdrop,…
Đối với nhà đầu tư
White Paper là nơi chứa tất cả thông tin của dự án. Các nhà đầu tư sẽ không phải mất thời gian tìm kiếm thông tin ở các trang khác. Thay vào đó chỉ cần nghiên cứu sách trắng để biết được dự án này là gì, bản chất công nghệ ra sao, những vấn đề mà dự án giải quyết là gì, giải pháp của các nhà phát triển đưa ra có khả thi không… Qua đó các nhà đầu tư có thể có cái nhìn đúng đắn hơn về tiềm năng của dự án đó.
Ngoài ra, nếu bạn tham gia thị trường tiền điện tử đã lâu thì sẽ nhận ra được không phải dự án nào cũng độc đáo, có điểm riêng. Nhiều dự án giống nhau hướng tới giải quyết một vấn đề, có khi sử dụng cùng một công nghệ. Do đó, khi chúng ta đọc một dự án tương tự với dự án trước đó để có thể dự đoán được về cách thức hoạt động của dự án này có hiệu quả hay không.
Cách đọc White paper để tìm ra dự án tiềm năng
Trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ vào dự án nào thì White paper là nguồn thông tin bạn tìm hiểu trước tiên. Tuy nhiên, sách trắng thường có nội dung rất dài và phức tạp. Dưới đây là các phần bạn nên chú trọng để nhận biết đâu là dự án tiềm năng.
Tác giả và thời gian viết white paper
Thị trường tiền điện tử luôn biến động không ngừng, chính vì vậy luôn có nhiều phiên bản white paper mới cập nhật. Bạn nên truy cập trực tiếp vào website của từng dự án để theo dõi hoặc có thể tìm đọc tại whitepaper.io.
Những điều cần lưu ý khi đọc white paper là mục đích của dự án có theo kịp các đối thủ cạnh tranh hay không? Có thay đổi gì về đội ngũ phát triển dự án không? Tác giả viết whitepaper mới có phải là người viết bản whitepaper trước đây hay không…
Điều này có thể dẫn đến một số thay đổi trong lộ trình phát triển của dự án. Các bất đồng quan điểm, tranh chấp giữa đội ngũ phát triển là một trong những dấu hiệu xấu cho dự án đó.
Dự án được phát triển ở đâu và đối tác là ai?
Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư thì bất kỳ sách trắng nào cũng liệt kê rõ ràng về dự án được phát triển ở đâu và đối tác là ai. Nếu một dự án được phát triển tại một quốc gia có “hiềm khích” với tiền điện tử, thủ tục pháp lý phức tạp, như tại Mỹ sẽ rất khó phát hành. Dù dự án có đảm bảo thực hiện thành công lộ trình theo roadmap nhưng dính vào pháp luật rắc rối thì cũng không thể làm gì được.
Điều thứ 2 cần lưu ý là đối tác của dự án. Một dự án có các đối tác lớn có khả năng phát triển lâu dài. Những đối tác lớn là các công ty hàng đầu, uy tín trên thế giới, có vốn lớn trên thị trường.
Để đánh giá các dự án tiền điện tử tiềm năng, bạn có thể xem background đội ngũ tư vấn dự án là ai. Ví dụ dự án Theta (THETA) được tư vấn bởi Steve Chen, là đồng sáng lập Youtube. Theta hợp tác với Google (công ty mẹ của Youtube) tạo ra Theta Lab. Giá đồng coin của THETA tăng 200 lần giai đoạn 2020-2021.
Mục đích sử dụng của dự án
Để đánh giá một dự án có tiềm năng hay không nhà đầu tư cần quan tâm đến mục đích của nó. Mục đích của dự án có giải quyết vấn đề gì không, dự án sau có cải tiến hơn dự án trước? Đó là những điều các nhà đầu tư quan tâm trước khi quyết định “xuống tiền”. Các thông tin này sẽ được tìm thấy ngay ở phần đầu của sách trắng.
Nếu white paper nào đưa ra mục đích sử dụng của dự án mang tính hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày thì dự án này có tiềm năng là khả quan. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu kỹ xem liệu dự án được xây dựng từ nền móng của mình hay dựa trên các phiên bản khác rồi thay đổi một vài tính năng.
Tokenomic
Tokenomics là sự kết hợp giữa token và economics, được hiểu là cách mà nền kinh tế trong dự án vận hành, ảnh hưởng đến lượng cung cầu của dự án. Cụ thể, đội ngũ phát triển dự án sẽ tính toán làm sao để thiết kế số lượng token phù hợp với cơ chế vận hành.
Lượng cung bị ảnh hưởng bởi các yếu tố:
- Tình trạng lạm phát: Xảy ra khi số lượng coin quá nhiều dẫn đến giá trị coin sẽ giảm.
- Số lượng phân bổ coin: nếu số lượng coin nằm trong nhóm phát triển và các cá mập nhiều thì lúc tung ra thị trường sẽ bị mất giá.
- Thời gian đồng coin bị khóa trong thời gian ICO: nếu thời gian vừa đủ dài, giá đồng coin sẽ không bị biến động nhiều.
Lượng cầu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố:
Phần thưởng khi Staking, phí giao dịch và các lợi ích khác là các yếu tố khiến nhà đầu tư mua và nắm giữ coin. Bạn nên đọc kỹ whitepaper để biết nhóm phát triển ngoài sản xuất đồng coin thì còn tạo thêm các ứng dụng dapps (phi tập trung) nào cần có coin đó để vận hành hay không.
Nếu dự án theo đúng kế hoạch thì khả năng đồng coin sẽ có nhu cầu tăng cao dẫn đến giá sẽ tăng. Ví dụ Token gốc của Decentraland MANA sau khi quyết định dùng để giao dịch trên marketplace đã tăng 500x lần kể từ năm 2020.
Roadmap
(Ethereum Roadmap)
Mục đích của Roadmap là phác thảo kế hoạch phát triển của dự án gồm những sự kiện tiếp theo nào sẽ xảy ra, các vấn đề nào sẽ được giải quyết, nhiệm vụ nào đã hoàn thành và khi nào token được chào bán… Roadmap cần được kéo dài vài năm với nhiều cột mốc qua từng giai đoạn.
Nhà đầu tư cần đọc roadmap để xem liệu dự án có đang đi đúng lộ trình không. Cần lưu ý không phải dự án nào có roadmap cũng là dự án tiềm năng vì đôi lúc một số sách trắng liệt kê roadmap do vấn đề pháp lý. Roadmap thể hiện càng cụ thể chi tiết các mốc sự kiện thời gian càng tốt.
Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về white paper. Sách trắng là một trong những yếu tố để đánh giá về một dự án ICO tiềm năng. Đây là lý do tại sao nhà đầu tư cần quan tâm đến white paper. Ngoài ra, để lựa chọn được dự án tốt, các bạn cũng nên xem thêm các yếu tố khác như: Tìm hiểu thực tế, xác minh các thông tin quan trọng trong White paper, các mốc thời gian mà nhóm phát triển đề ra…
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu