Quét mã để tải xuống
ứng dụng VNSC by Finhay
close
Thông tin chi tiết

FDI là gì? Những thông tin quan trọng về vốn đầu tư nước ngoài FDI

FDI là một thuật ngữ phổ biến trong nền kinh tế, đặc biệt có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ giữa các quốc gia. Vậy bạn có biết FDI là viết tắt của từ gì hay có ý nghĩa gì không? Các chính sách của Việt Nam về FDI thế nào? Câu trả lời sẽ được Finhay giải đáp trong bài viết dưới đây.

FDI là gì? 

FDI được viết tắt từ Foreign Direct Investment, được hiểu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo quy định tại khoản 22 điều 3 luật đầu tư năm 2020, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hiểu là “tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. 

Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), FDI là việc một nước đầu nhận được tài sản từ nước khác và có quyền quản lý số tài sản đó. Từ đó hình thành nên mối quan hệ giữa hai nước là nước chủ đầu tư và nước thu hút đầu tư.

Như vậy, nhìn chung thì FDI được hiểu là hình thức đầu tư trực tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài, phía thu hút và nhận đầu tư có thể là doanh nghiệp hoặc là một đất nước.

dac-diem-von-fdi

Doanh nghiệp FDI là gì?

Pháp luật Việt Nam hiện chưa có định nghĩa cụ thể về doanh nghiệp FDI và cũng chưa quy định rõ ràng về loại hình doanh nghiệp này. Pháp luật nước ta chỉ giải thích chung về tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 như sau:

“Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Doanh nghiệp FDI theo quy định của Luật Đầu tư 2020 được coi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.”

Có hai loại hình doanh nghiệp FDI chủ yếu:

  • Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
  • Doanh nghiệp liên doanh đơn vị trong nước với đối tác nước ngoài.

Vậy doanh nghiệp FDI có những đặc điểm gì? 

Trước hết, để trở thành doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp cần được đầu tư theo các hình thức sau:

  • Sử dụng 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài để thành lập doanh nghiệp;
  • Nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác;
  • Thành lập chi nhánh của công ty nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BBC.

Doanh nghiệp FDI có thể là công ty TNHH 1 thành viên hoặc Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh. Sau khi thành lập, doanh nghiệp FDI có quyền và nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi riêng theo quy định.

dac-diem-cua-doanh-nghiep-fdi

Đặc điểm của vốn FDI là gì?

Một số đặc điểm nổi bật của việc đầu tư vốn FDI có thể kể tới như:

  • Lợi nhuận là yếu tố đầu tiên cần đề cập đến bởi đây cũng là mục đích chính của FDI. Dù được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào thì lợi nhuận vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi vấn đề liên quan đến đầu tư. 
  • Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhận đầu tư chính là cơ sở để tính lợi nhuận từ FDI. Doanh nghiệp sau khi nhận đầu tư có phát triển và thành công hay không sẽ quyết định hiệu quả của FDI đó.
  • Sự tham gia của nhà đầu tư trong các dự án FDI cũng rất quan trọng và không phải dự án nào cũng giống nhau. Để được tham gia kiểm soát doanh nghiệp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải góp đủ số vốn tối thiểu tùy theo quy định của mỗi quốc gia. Sự can thiệp sâu hay nông còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa bên đầu tư và bên nhận đầu tư.

Các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài 

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thực hiện đầu tư FDI dưới ba hình thức dựa theo nguồn lực sẵn có và định hướng phát triển. Các hình thức FDI bao gồm: 

FDI theo chiều ngang

Đầu tư FDI theo chiều ngang là phương thức doanh nghiệp tận dụng nguồn lực có sẵn để đầu tư vào một đơn vị cùng ngành tại nước ngoài. Loại hình này có tác dụng giúp công ty mẹ mở rộng quy mô và lợi nhuận.

Ví dụ như thương hiệu thời trang Zara có trụ sở tại Tây Ban Nha có thể đầu tư vào công ty cùng ngành may mặc và có sự tương đồng về sản phẩm, cụ thể ở đây là Fabindia – một công ty thời trang của Ấn Độ.

fdi-la-gi

FDI theo chiều dọc

Nếu đầu tư theo chiều ngang là phát triển quy mô thì việc đầu tư FDI theo chiều dọc sẽ giúp doanh nghiệp mẹ xây dựng về mặt dây chuyền. Hình thức này được thực hiện bằng cách doanh nghiệp đầu tư vào một đơn vị bổ trợ cho ngành của doanh nghiệp chính ở một quốc gia khác.

Đây là một hình thức khá dễ thấy ở Việt Nam, điển hình là việc Samsung đầu tư một lượng vốn khá lớn để xây dựng các cơ sở sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam để phục vụ cho công ty mẹ.

FDI tập trung

Đầu tư FDI tập trung là hình thức đầu tư vào một công ty nước ngoài không cùng ngành, thậm chí hoàn toàn khác lĩnh vực của công ty mẹ.

Ví dụ cho trường hợp này là Walmart – một thương hiệu bán lẻ tại Mỹ nhưng đầu tư vào hãng sản xuất ô tô Ấn Độ TATA Motors.

Xem thêm:

FED là gì? Tại sao FED có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới?

FDI có tác động như thế nào đối với nước nhận đầu tư?

Đầu tư theo hình thức FDI mang đến cả những lợi ích và hạn chế với nước nhận đầu tư. Vậy những lợi ích và hạn chế của FDI là gì?

Lợi ích của FDI

  • Dòng vốn FDI mang tính ổn định cao và thời gian đầu tư kéo dài.  
  • Quá trình hoán đổi vốn thường đi kèm với việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý hoặc những yếu tố có lợi khác cho doanh nghiệp.
  • Vấn đề thiếu hụt vốn đầu tư để phát triển doanh nghiệp được khắc phục. 
  • Tạo động lực để phát triển sản xuất trong nước.
  • Thúc đẩy tăng trưởng ngân sách quốc gia và phát triển kinh tế.
  • Không gây ra nợ quốc gia.

quy-dinh-ve-von-dau-tu-nuoc-ngoai

Hạn chế của FDI

  • Nếu đầu tư FDI không được quản lý chặt chẽ sẽ dễ dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu đầu tư theo ngành hoặc theo khu vực.
  • Tiềm ẩn những nguy cơ lớn cho nước sở tại như du nhập công nghệ “lãng phí”, trở thành “bãi rác” công nghệ, bán rẻ nhân lực, lạm dụng tài nguyên và ô nhiễm môi trường gia tăng nhanh chóng.
  • Công ty trong nước là những đối tượng dễ bị tổn hại bởi không thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài giàu kinh nghiệm và sở hữu tiềm lực kinh tế mạnh.

Chính sách thu hút nguồn đầu tư vốn FDI của Việt Nam

Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một trong những chủ trương lớn của Chính Phủ để tạo động lực phát triển nền kinh tế trong nước. Vậy hiện nay, những chính sách nào đang được sử dụng để thu hút nguồn vốn FDI?

Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn

Môi trường đầu tư được hiểu là toàn bộ những yếu tố, bộ phận có tác động qua lại lẫn nhau và chi phối trực tiếp các hoạt động đầu tư. Các nhà đầu tư phải dựa vào môi trường đầu tư để có những sự điều chỉnh hợp lý nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Bảo đảm các quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư

Các nhà đầu tư được đảm bảo về các quyền cơ bản như:

  • Đảm bảo không bị tước đoạt.
  • Đảm bảo cho những mất mát:
    • Quốc hữu hoá: Tại Việt Nam, Luật quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá. 
    • Phá huỷ do chiến tranh: Những thiệt hại bởi chiến tranh từ bên ngoài thường không được đền bù nhưng những thiệt hại do các vấn đề nội tại quốc gia sẽ được đền bù.
    • Tính không chuyển đổi được của tiền tệ: Trong trường hợp đồng tiền không chuyển đổi được, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hướng dẫn cách cân bằng ngoại tệ cũng như chuyển đổi từ đồng nội tệ sang ngoại tệ.

chien-luoc-thu-hut-nha-dau-tu-nuoc-ngoai

Quy định về bảo hộ và các ưu tiên dành cho nhà đầu tư nước ngoài

Các quy định về bảo hộ và ưu tiên dành cho nhà đầu tư nước ngoài như sau:

  • Quy định về tuyển dụng lao động là người nước ngoài, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, số lượng người lao động nước ngoài không được vượt quá mức quy định và phải có thẻ cư trú/thẻ lao động. 
  • Quyền sở hữu trí tuệ: Đảm bảo quyền sở hữu sáng chế, nhãn hiệu thương mại cho nhà đầu tư nước ngoài.
  • Sự ưu tiên với các nhà đầu tư từ Chính phủ: Chính phủ có thể đưa ra các khoản vay hay nguồn trợ giúp để khuyến khích đầu tư.
  • Các nhà đầu tư trong nước so với nước ngoài, giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau, giữa khu vực tư nhân và công cộng đều được đảm bảo môi trường kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng.

Ưu đãi về đất đai 

Điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư chính là sở hữu bất động sản. Nếu không được luật pháp cho phép thì các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc nhiều hơn để sử dụng đất trong thời gian hợp lý. Chính vì thế, những ưu đãi về đất đai được xem là một trong số những động lực khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ về đất đai đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như:

  • Giảm 50% tiền thuê đất trong giai đoạn 2011-2014;
  • Điều chỉnh giảm tỷ lệ tính đơn giá thuê đất chung từ 1,5% (quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP) xuống còn 1% (quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP) và UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tỷ lệ trong khung từ 0,5-3% tùy theo khu vực tương ứng với từng mục đích sử dụng đất để áp dụng giá thuê đất.
  • Việc xác định giá đất cho thuê được điều chỉnh bằng một vài hệ số.

tro-cap-cua-chinh-phu-danh-cho-nha-dau-tu-nuoc-ngoai

Miễn giảm thuế

Ưu đãi về thuế là một bộ phận của chính sách FDI, có mối quan hệ mật thiết với định hướng và tổng thể chính sách FDI. Do vậy, chính sách ưu đãi tài chính thường là tập trung vào chính sách thuế như: Thuế xuất nhập khẩu, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân. 

Một số dự án được khuyến khích đầu tư còn hưởng ưu đãi về giá thuê đất và các chi phí khác của quá trình vận hành.

Trợ cấp của Chính phủ

  • Chi phí tổ chức và vận hành: Chi phí này có thể được tính vào chi phí của dự trong một thời gian nhất định.
  • Tái đầu tư: Sử dụng lợi nhuận của dự án FDI để tái đầu tư sẽ hưởng những ưu đãi nhất định.
  • Trợ cấp đầu tư: Đây là quy định cho phép một tỷ lệ nhất định của khoản vốn đầu tư không phải chịu những nghĩa vụ về đầu tư (trong một khoảng thời gian nhất đinh).
  • Các khoản khấu trừ khác: Các khoản khấu trừ này được quy định đặc biệt với một số ngành và có quy định ưu đãi riêng cho dự án nào đó.
  • Tín dụng thuế đầu tư: Đây là một trong những biện pháp được Chính phủ sử dụng để khuyến khích các nhà đầu tư tăng vốn đầu tư.
  • Các khoản tín dụng thuế khác: Khoản thu nhập có nguồn gốc từ nước ngoài và đã chịu thuế ở nước ngoài có thể xin miễn giảm thuế trong nước để sử dụng như những khoản tín dụng đầu tư.

Những dự án FDI nổi bật ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, các dự án FDI ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Một số dự án nổi bật, có nguồn vốn đầu tư lớn có thể kể tới như:

(1) Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, dự án có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu sản xuất, truyền tải và phân phối điện tại Long An (cấp GCNĐKĐT ngày 19/3/2021), dự kiến bắt đầu vận hành vào tháng 12/2025. Dự án công suất của dự án lên đến 3.000 MW, gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, được đầu tư bởi công ty VINACAPITAL GS ENERGY PTE. LTD.

du-an-fdi-lon-tai-viet-nam

(2) Dự án LG Display Hải Phòng, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD. Dự án chuyên sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED TV, màn hình LCD. Trong những năm vừa qua, Tập đoàn LG liên tục tăng vốn đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất của dự án, chính vì vậy dự án hiện có vốn đầu tư FDI lớn nhất trên địa bàn Hải Phòng.

Theo kế hoạch của LG Display Việt Nam, sau khi dây chuyền sản xuất mới được hoàn thiện, LG Display có doanh thu xuất khẩu tăng thêm khoảng 6,5 tỷ USD/năm; nộp ngân sách tăng thêm khoảng 25 triệu USD, tạo thêm việc làm cho 10.000 lao động.

(3) Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, mục tiêu là xây dựng một nhà máy nhiệt điện đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ. Dự án dự kiến ứng dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, tận dụng nhiên liệu sạch là khí thiên nhiên, đem lại hiệu suất cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với xu thế phát triển bền vững. 

Trên đây là các thông tin quan trọng về FDI. Hy vọng qua bài viết trên đây, bạn đã hiểu FDI là gì và các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước ta. Vốn đầu tư nước ngoài có nhiều lợi đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế quốc gia nhưng cũng có một số ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh trong nước. Đây sẽ vừa là cơ hội và cũng là thách thức để các doanh nghiệp trong nước thay đổi, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ưu đãi bạn mới

Mở tài khoản để nhận ngay gói tích luỹ Haybond 8%/năm

Khám phá ngay

Cổ phiếu được quan tâm nhất

Xem thêm arr

Nổi bật

Định giá doanh nghiệp

Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định

  • Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
  • Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu
Khám phá ngayarr
Ưu đãi bạn mới

Mở tài khoản để nhận ngay gói tích luỹ Haybond 8%/năm

Khám phá ngay

Cổ phiếu được quan tâm nhất

Xem thêm arr

Định giá doanh nghiệp

Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định

  • Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
  • Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu
Khám phá ngayarr

Bài viết nổi bật
trong tuần

Trải nghiệm ngay nền tảng
VNSC by Finhay

Logo Finhay

Tải xuống ứng dụng để sử dụng toàn bộ dịch vụ

Tải ngay