Gas fee là gì? 04 Mẹo tối ưu phí gas các trader không nên bỏ lỡ
Gas Fee là một trong những vấn đề đầu tiên mà bạn cần quan tâm khi muốn dấn thân vào con đường đầu tư Crypto. Đây một yếu tố quan trọng trong sự vận hành của các nền tảng blockchain. Hãy cùng với Finhay tìm hiểu xem Gas Fee là gì, có những loại phí Gas nào và sử dụng phí Gas sao cho hiệu quả nhé.
Gas Fee là gì?
Gas Fee (hay phí Gas) là khoản tiền chi trả cho các nền tảng blockchain để thực hiện các giao dịch hay hoạt động tương tác với smart contract. Gas là một đơn vị đặc biệt, dùng trong việc đo lường mức độ hoạt động trên nền tảng đó. Nói cách khác, đây là tài nguyên tính toán khi đáp ứng một nhiệm vụ nhất định.
Có những loại Gas fee nào?
Các loại Gas Fee được phân chia thông qua các yếu tố như đặc điểm, tính chất, mục đích và nền tảng hoạt động. Dưới đây sẽ là những loại phí gas phổ biến nhất và cách phân biệt những loại Gas Fee này.
Gas Limit là gì?
Hiểu đơn giản là đây giới hạn Gas, tức là lượng gas tối đa mà người dùng sẵn sàng chi trả cho các hoạt động giao dịch hoặc thực hiện chức năng blockchain. Nói cách khác, Gas Limit là giá trị cao nhất mà nền tảng có thể lấy từ người dùng khi thực hiện giao dịch. Đây là cơ chế bảo vệ nhằm ngăn chặn việc lỗi smart contract hay các tính toán sai gây lãng phí tiền của người dùng.
Ví dụ: Trên Ethereum, một giao dịch thông thường có Gas Limit là 21,000 đơn vị gas.
Thời gian và hình thức giao dịch là những yếu tố có ảnh hưởng đến giá trị của Gas Limit. Đối với một số sàn giao dịch và ví điện tử, Gas Limit là tính năng tự động thiết lập. Tuy nhiên trong một số trường hợp khác, người dùng cũng có thể chủ động điều chỉnh giá trị này một cách thủ công, phụ thuộc vào từng nhu cầu của người dùng.
Nếu Gas Limit bạn đặt quá thấp, nguy cơ sẽ dẫn đến việc lượng gas không đủ cho các validators/miners xác nhận giao dịch của bạn. Ban đầu, giao dịch vẫn được xác thực xử lý. Tuy nhiên khi không còn đủ gas để xác nhận giao dịch, nền tảng sẽ ngừng thực hiện hoạt động bạn yêu cầu. Tình trạng này được gọi là “hết gas”.
Khi không đủ gas, giao dịch của bạn bị coi là không hợp lệ và bị từ chối, lượng Gas đã chi trước đó sẽ không được hoàn lại tài khoản. Điều này tức là bạn luôn phải trả phí gas cho mọi giao dịch dù có thực hiện thành công hay không.
Trong trường hợp bạn đặt Gas Limit quá cao thì Gas Fee bạn phải trả cũng cao hơn cho mỗi lần giao dịch.
Gas Price là gì?
Khoản phí mà người dùng sẵn sàng chi trả cho mỗi đơn vị gas được gọi là Gas Price, loại phí này cũng có thể tùy chỉnh phụ thuộc vào nhu cầu người dùng.
Hầu hết các nền tảng blockchain hiện nay áp dụng cơ chế đấu giá để quản lý và ưu tiên giao dịch được xử lý trước. Cụ thể, các validators/miners sẽ tìm kiếm và lựa chọn các giao dịch có Gas Price cao nhất. Sau đó xử lý các giao dịch theo thứ tự giảm dần.
Cơ chế đấu giá giúp đảm bảo tính công bằng cho thị trường và thu hút sự tham gia của nhiều thực thể hơn trong việc cung cấp sức mạnh tính toán. Từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và tăng độ bảo mật cho blockchain.
Cơ chế này cho phép giao dịch của bạn sẽ được các validators/miners xác thực nhanh hơn khi bạn trả Gas Price cao hơn người khác. Mặt khác, nếu Gas Price quá thấp sẽ mất nhiều thời gian để được xác nhận, thậm chí thất bại vì không nhận được xác thực.
Phân biệt Gas Limit và Gas Price
Để hiểu chi tiết Gas Fee là gì, bạn cần biết cách phân biệt Gas Limit và Gas Price. Cách phân biệt 2 loại phí Gas này rất đơn giản, bạn có thể liên tưởng theo ví dụ sau:
Nếu ví giao dịch bạn thực hiện trên blockchain là một chiếc xe ô tô thì Gas Fee chính là khoản phí bạn phải trả để để đổ xăng cho chiếc ô tô đó có thể chạy được. Lúc này, Gas Limit là số lít/đơn vị xăng bạn muốn đổ cho ô tô của mình (bạn có thể đổ đầy bình xăng hoặc đổ đến một mức tuỳ thích) và Gas Price là giá của mỗi lít/đơn vị xăng đó. Chẳng hạn như trên Ethereum, Gas Price sẽ được tính bằng Gwei.
Ví dụ mỗi lít xăng có giá 30.000đ/lít. Với Ethereum là 20 Gwei cho mỗi gas.
Để đổ đầy “xăng” bạn cần: 10 lít với giá 30.000đ/lít = 300.000đ.
Tương tự, 20,000 đơn vị gas với giá 20 Gwei/gas = 400,000 Gwei
Cách tính phí Gas
Công thức để tính Gas Fee như sau:
Gas Fee = Gas Limit x Gas Price
Tiếp tục ví dụ trên, 20,000 đơn vị gas (Gas Limit) có giá 20 Gwei/gas (Gas Price).
Tức là Gas Fee = 20,000 × 20 = 400,000 Gwei = 0.0004 ETH.
Vậy tổng phí Gas mà bạn phải trả sẽ là 400,000 Gwei hay 0.0004 ETH.
Lượng gas còn dư sau giao dịch sẽ được hoàn trả về tài khoản người dùng theo nguyên tắc không vượt quá ½ lượng gas đã dùng hết cho quá trình giao dịch.
Tại sao cần có Gas Fee?
Đầu tiên, khi bạn trả một khoản Gas Fee để thực hiện giao dịch trên nền tảng blockchain nào đó có nghĩa là bạn đang trả cho các validators/miners, những người có nhiệm vụ xác thực giao dịch của bạn. Những validators/miners có vai trò duy trì hoạt động và đảm bảo cho sự an toàn cho các blockchain, không có họ mạng lưới sẽ không thể tồn tại được.
Thứ hai của Gas Fee chính là giữ an toàn và bảo mật cho nền tảng, việc yêu cầu một khoản phí từ người dùng cho mỗi giao dịch giúp các nhà phát triển ngăn chặn hành động spam của kẻ xấu và gây ra nghẽn mạng.
Thứ ba, các blockchain hiện nay đều sở hữu token riêng nên việc yêu cầu người dùng sử dụng trả Gas Fee sẽ giúp tạo động lực tăng giá cho token đó, duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài cho blockchain.
Thứ tư, cơ chế định giá Gas Fee giúp đảm bảo rằng các khoản phí được sử dụng một cách hợp lý nhất. Nó ngăn chặn việc lãng phí tài nguyên vào các hoạt động không mang lại giá trị đối với nền tảng blockchain.
Phí gas trên các blockchain hiện nay
Thông thường, Gas Fee trên blockchain sẽ được thanh toán bằng token riêng của nền tảng đó. Vì thế, mà Gas Fee sẽ được thanh toán bằng các đồng coin khác nhau tùy thuộc vào từng nền tảng bạn sử dụng. Ví dụ từ một số nền tảng tiền điện tử phổ biến nhất hiện nay:
- Nếu muốn giao dịch trên Binance Smart Chain: bạn cần trả Gas Fee bằng đồng BNB.
- Nếu muốn giao dịch trên Ethereum: bạn cần trả Gas Fee bằng đồng ETH.
- Nếu muốn giao dịch trên Solana: bạn cần trả Gas Fee bằng đồng SOL.
04 Mẹo giúp bạn tiết kiệm phí Gas khi giao dịch
Việc hạn chế lãng phí gas và tiết kiệm tối đa Gas Fee luôn là điều được các trader quan tâm. Bên cạnh việc hiểu rõ Gas Fee là gì, bạn cũng có thể áp dụng 04 mẹo dưới đây:
Tối giản các bước giao dịch
Các giao dịch càng phức tạp đồng nghĩa với việc tiêu tốn nhiều tài nguyên tính toán hơn. Các validators/miners sẽ phải làm việc nhiều hơn để hoàn tất xác thực giao dịch cho bạn. Chính vì vậy mà các giao dịch bao gồm nhiều bước sẽ tốn nhiều Gas Fee hơn so với các giao dịch đơn giản. Việc tối giản hóa các giao dịch chính là bước đầu tiên giúp bạn tiết kiệm Gas Fee của mình.
Ước tính trước Gas Limit cần thiết tại thời điểm giao dịch
Đặt Gas Price cao sẽ giúp bạn được ưu tiên xác thực các giao dịch. Đồng thời, hãy đặt Gas Limit cao hơn mức ước tính để đảm bảo giao dịch không bị từ chối vì hết gas. Tuy nhiên, nếu hai loại gas này quá cao cũng sẽ khiến bạn phải trả cao hơn bình thường rất nhiều.
Để tránh lãng phí gas, bạn có thể dùng một số website hỗ trợ như BSCscan cho Binance Smart Chain hay EtherScan cho Ethereum để ước tính mức Gas Limit và Gas Price vào thời điểm giao dịch. Từ đó có sự điều chỉnh hợp lý. Mức Gas Limit chỉ cần cao hơn một chút so với mức ước tính để tránh hết gas.
Hạn chế thực hiện giao dịch vào thời điểm Gas Price đang quá cao
Như đã nói ở trên, Gas Price thường có sự thay đổi phụ thuộc vào thời gian và nhu cầu giao dịch của mạng lưới. Gas Price sẽ tăng cao hơn trong thời gian mạng lưới có mức độ hoạt động lớn và giảm dần khi mạng lưới hoạt động kém hiệu quả.
Dựa vào quy luật này mà bạn nên hạn chế giao dịch vào thời điểm Gas Price quá cao. Nhờ đó mà bạn không bị trả mức phí quá cao cho mỗi giao dịch. Hầu hết các nền tảng hiện nay đều hỗ trợ cung cấp thông tin tham khảo về Gas Price để bạn tham khảo.
Tránh nhầm lẫn Gas Price/Gas Limit với số token mà bạn muốn giao dịch
Do Gas Price và Gas Limit cũng nằm trong số những yếu tố bạn có thể tùy chỉnh theo nhu cầu nên có không ít trường hợp người dùng tiêu tốn quá nhiều gas do nhầm lẫn giữa Gas Price/Gas Limit với số lượng token muốn giao dịch. Bạn nên kiểm tra thật cẩn thận các chi tiết trong giao dịch trước khi bắt đầu thực hiện.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi Gas Fee là gì và một số thông tin cơ bản về cách sử dụng từng loại gas. Gas Fee đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các nền tảng, mỗi loại phí gas lại có nhiệm vụ khác nhau nhưng mục đích chính vẫn là đảm bảo sự công bằng và hiệu quả của nền tảng. Cùng với đó, trader cũng cần biết cách sử dụng hiệu quả từng gas để tránh lãng phí và mang lại nguồn lợi tối đa.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu