Nợ ngắn hạn là gì? Cách xem nợ ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ có những khoản vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Dòng tiền được xoay vòng liên tục, kiểm soát chặt chẽ thông qua nghiệp vụ kế toán. Trong đó, nợ ngắn hạn là một thông tin quan trọng trên bảng cân đối kế toán. Vậy nợ ngắn hạn là gì? Cách xem nợ ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán thế nào? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về chỉ số nợ ngắn hạn, từ đó có đánh giá chính xác về mã cổ phiếu.
Nợ ngắn hạn là gì?
Nợ ngắn hạn (current liabilities) là chỉ tiêu mô tả tổng các giá trị khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp trong thời hạn không quá 12 tháng hoặc trong 1 chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường. Các khoản nợ ngắn hạn phải trả cho người bán, nợ vay và thuê tài chính… tại thời điểm báo cáo.
Trong kế toán, nợ ngắn hạn dùng để chỉ các khoản nợ được mô tả ở cột ghi nợ của bảng cân đối kế toán. Bản chất của chỉ số này là hóa đơn phải trả của người cho vay và người đi vay trong một khoảng thời gian ngắn. Các doanh nghiệp thường dùng tiền mặt để trả nợ ngắn hạn.
Nợ ngắn hạn gồm những gì?
Nợ ngắn hạn là phần không thể thiếu trên báo cáo tài chính. Vậy nợ ngắn hạn trong bảng cân đối kế toán gồm những gì?
- Nợ phải trả người bán ngắn hạn (mã 311): Số tiền phải thanh toán cho người bán, với thời hạn không quá 12 tháng hay trong 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh.
- Người mua trả tiền trước ngắn hạn (mã 312): Số tiền người mua ứng trước để mua các tài sản, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Lúc này, công ty có trách nhiệm cung cấp sản phẩm cho người mua trong thời hạn không quá 12 tháng hay trong 1 chu kỳ kinh doanh.
- Thuế và các khoản nộp nhà nước (mã 313): Tổng các khoản mà doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước như thuế, phí, lệ phí khác.
- Phải trả cho người lao động (mã 314): Số tiền phải trả cho người lao động tại thời điểm làm báo cáo.
- Chi phí phải trả ngắn hạn (mã 315): Các khoản nợ phải trả do đã nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa có hóa đơn/các khoản chi phí chưa có đủ hồ sơ nhưng chắc chắn phát sinh và cần tính vào chi phí sản xuất. Thời hạn thanh toán của các khoản phí phải trả ngắn hạn này dưới 12 tháng.
- Phải trả nội bộ ngắn hạn (mã 316): Số tiền phải trả cho các chi phí nội bộ, với chu kỳ không quá 12 tháng hay 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh tại thời điểm báo cáo, giữa cấp trên và chi nhánh hay đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân.
- Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (mã 317): Khoản chênh lệch giữa số tổng tiền lũy kế mà khách hàng phải thanh toán theo tiến độ kế hoạch lớn hơn doanh thu lũy kế tương ứng đã ghi nhận.
- Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (mã 318): Thể hiện khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ của doanh nghiệp cần thực hiện trong 12 tháng hoặc 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh, tại thời điểm báo cáo.
- Khoản phải trả ngắn hạn khác (mã 319): Các khoản phải trả có kỳ hạn dưới 12 tháng như giá trị tài sản thừa chưa rõ nguyên nhân, khoản phải nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, ký quỹ ngắn hạn, ký cược…
- Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (mã 320): Tổng giá trị doanh nghiệp đi vay của các tổ chức tài chính, ngân hàng…
- Khoản dự phòng phải trả ngắn hạn (mã 321): Phản ánh khoản dự phòng cho các khoản phải trả với thời hạn thanh toán dưới 12 tháng hoặc trong 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh.
- Quỹ khen thưởng, phúc lợi (mã 322): Số tiền sử dụng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi được ban điều hành điều khiển nhưng chưa sử dụng.
- Quỹ bình ổn giá hàng hóa (mã 323): Khoản tiền dự phòng cho quỹ bình ổn giá khi có các biến động thị trường ảnh hưởng đến giá sản phẩm, hàng hóa.
- Khoản giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ (mã 324): Khoản chi phí phản ánh giá trị của trái phiếu chính phủ của bên bán lại, chưa kết thúc hợp đồng tại thời điểm báo cáo.
Ý nghĩa khi nợ ngắn hạn tăng/giảm
Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau, đều có những khoản nợ ngắn hạn cần thanh toán. Vậy sau các chu kỳ kinh doanh, nợ tăng/giảm có ý nghĩa gì?
Nợ ngắn hạn giảm nói lên điều gì?
Nợ ngắn hạn đóng vai trò then chốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi nợ ngắn hạn giảm sẽ thể hiện:
- Doanh nghiệp phải thanh toán hóa đơn mua hàng cho đối tác: Điều này cho thấy lòng tin của công ty với đối tác chưa thực sự cao, do vậy cần bắt buộc thanh toán sớm các khoản phí giao dịch.
- Thuế và các khoản thanh toán cho nhà nước giảm: Cho thấy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang không tốt, giảm sút dẫn đến giảm các khoản thuế phí phải đóng.
- Các khoản phải trả cho người lao động giảm: Cho thấy doanh nghiệp đang trong quá trình thắt chặt và giảm quy mô sản xuất, giảm năng suất, khối lượng hàng hóa trong kỳ.
- Khoản vay nợ và thuê tài chính giảm: Cho thấy doanh nghiệp không có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, tốc độ phát triển chậm và có thể đang suy thoái.
Dấu hiệu nợ ngắn hạn giảm, cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty đang có sự bất ổn, uy tín doanh nghiệp giảm trên thị trường.
Nợ ngắn hạn tăng nói lên điều gì?
Các khoản nợ ngắn hạn tăng sẽ cho thấy những dấu hiệu đi ngược so với xu hướng giảm:
- Nợ ngắn hạn phải trả cho người bán tăng: Cho thấy uy tín và vị thế của doanh nghiệp với đối tác khách hàng tốt. Nhà cung cấp sẵn sàng cho doanh nghiệp thanh toán chậm trong thời gian dài.
- Thuế và khoản phí phải thanh toán cho nhà nước tăng mạnh: Thuế và phí nộp cho nhà nước thường tăng tương đương với doanh thu và lợi nhuận ròng. Khi các khoản nợ này tăng, cho thấy doanh thu của công ty đang tăng, có các dấu hiệu kinh doanh tích cực.
- Nợ phải trả cho người lao động tăng so với cùng kỳ: Mức lương phải trả cho người lao động sẽ tăng theo doanh thu, cho thấy doanh nghiệp đang mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm nhân lực. Tuy nhiên, nếu mức tăng không tương đương với doanh thu, thể hiện công ty đang nợ tiền của người lao động, biểu hiện của các vấn đề tài chính bất ổn.
- Vay và nợ thuê tài chính tăng so với cùng kỳ: Mức tăng của vay và nợ thuê tài tương đương với doanh thu, giá vốn, biểu hiện của sự mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư kinh doanh mới. Tuy nhiên, nếu mức tăng không được kiểm soát về lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.
Xem thêm:
Nợ dài hạn là gì? Sự khác biệt giữa nợ ngắn hạn và nợ dài hạn
Cách xem nợ ngắn hạn trên báo cáo tài chính
Các chỉ số nợ ngắn hạn phản ánh phần nào bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm hiện tại. Do vậy, nhà đầu tư cần học cách xem chi tiết nợ ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán:
Bảng cân đối kế toán thể hiện nợ ngắn hạn tại phần “Nợ phải trả”. Trong đó, chỉ số nợ ngắn hạn được thể hiện bằng tổng tất cả các khoản nợ phải thanh toán trong thời hạn 12 tháng hoặc dưới 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường.
Chi tiết các khoản nợ ngắn hạn được thể hiện ở các mục với mã số từ: 311 đến 324. Nhà đầu tư có thể cập nhật chi tiết nợ ngắn hạn thông qua các mã số, được báo cáo theo quý trong năm. Sau đó so sánh sự chênh lệch, tăng giảm của các khoản nợ so với kỳ trước để đánh giá và nhận định về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Cách tính nợ ngắn hạn trong báo cáo tài chính doanh nghiệp
Người chơi tham gia đầu tư chứng khoán, cần chú ý đến cách tính nợ ngắn hạn trong báo cáo tài chính. Bởi đây là khoản tất yếu gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Dựa trên nợ ngắn hạn, nhà đầu tư có thể đánh giá được tình hình kinh doanh, công ty có đủ khả năng lưu động vốn để giải quyết các khoản nợ hay không?
Xác định hệ số thanh toán hiện thời = Tài sản lưu động/ nợ ngắn hạn.
Cách xác định hệ số thanh toán nhanh các khoản nợ ngắn hạn:
Hệ số thanh toán nhanh = Tổng tiền và chứng khoán ngắn hạn/ khoản nợ ngắn hạn.
Trong đó:
- Tổng tiền và chứng khoán ngắn hạn = Tài sản lưu động – Hàng tồn kho
Thông qua chỉ số thanh toán ngắn hạn lớn, cho thấy mã cổ phiếu của doanh nghiệp đáng tin cậy, phù hợp để rót vốn. Tuy nhiên nhà đầu tư cần xem xét đặt hệ số thanh toán để so sánh với các mã chứng khoán khác cùng ngành, các khoản phí phát sinh khác trong cùng kỳ để nhận định chính xác.
Nợ ngắn hạn là thông tin quan trọng để đánh giá tình trạng kinh doanh, sản xuất của một doanh nghiệp hiện tại như thế nào. Đây là tiêu chí quan trọng mà nhà đầu tư chứng khoán cần xem xét, đánh giá để quyết định có nên rót vốn đầu tư hay không. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nợ ngắn hạn cùng những vấn đề liên quan để có thêm một tiêu chí giúp đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cổ phiếu được quan tâm nhất
Nổi bật
Định giá doanh nghiệp
Bộ thông tin theo từng doanh nghiệp được VNSC by Finhay phối hợp cùng các đối tác áp dụng công nghệ để xác định
- Xác định nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững
- Dễ dàng ra quyết định với thông tin so sánh “Thị giá” - “Định giá” theo từng mã cổ phiếu