Quỹ hoán đổi danh mục – quỹ ETF là gì? Một số quỹ ETF trên Finhay
Từ tháng 7/2021, Finhay bổ sung thêm một số quỹ hoán đổi danh mục vào các cấu trúc Đầu tư Quỹ. Bạn có thể tìm hiểu về loại quỹ này tại đây.
1. Quỹ Hoán đổi danh mục (quỹ ETF) là gì?
Quỹ ETF – viết tắt của cụm từ Exchange Traded Fund còn có tên gọi khác là quỹ hoán đổi danh mục. Quỹ ETF là một rổ chứng khoán hoạt động theo chỉ số đại diện cho một tài sản nhất định nào đó như vàng, hàng hóa, chứng khoán, lĩnh vực ngành hàng…
Quỹ ETF là sự kết hợp giữa chứng khoán và quỹ tương hỗ mở. Nếu như trước đây nhà đầu tư chỉ mua được một loại cổ phiếu riêng lẻ, giờ đây với ETF họ có thể mua được cả một nhóm cổ phiếu trong một lĩnh vực nhất định. ETF được xem là hình thức đầu tư tổng hợp, tạo nên sự đa dạng cho thị trường.
Đầu tư vào ETF chính là bạn đang giao dịch với các loại tài sản được gộp chung. Ví dụ một quỹ ETF có thể có cổ phiếu của Mỹ, đồng thời có cả cổ phiếu công nghệ Trung Quốc,…Với ETF chi phí giao dịch của quỹ thường rất thấp.
Ví dụ: Quỹ ETF E1 VFVN30 là một quỹ đầu tư thụ động hoán đổi danh mục của 30 cổ phiếu hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu: bạn chỉ cần bỏ tiền vào quỹ này là được đầu tư vào 30 cổ phiếu hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
2. Lịch sử ra đời quỹ ETF
Quỹ ETF hình thành từ những năm 1970, nhưng cho đến năm 1980 mới bắt đầu được xây dựng. Người đặt nền móng đầu tiên cho ETF là nhà kinh tế học Harry Markowitz. Ý tưởng của ông đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, toà liên bang tại Chicago (Mỹ) lại cho rằng ETF hoạt động giống như hợp đồng tương lai. Chính vì điều này, ETF chỉ được phép hoạt động tại Canada và không thể giao dịch tại Mỹ.
- Đến năm 1993, ETF mới được phép giao dịch Hoa Kỳ nhằm mục đích theo dõi chỉ số S&P 500.
- Trong 2 năm từ 1993 – 1995, Barclays Global Investors đã đưa ra các sản phẩm ETF khác. Đặc biệt là quỹ WEBS, nhiều nhà đầu tư đã dễ dàng tiếp cận tới các danh mục đầu tư trong và ngoài nước. Sau này quỹ được đổi tên thành iShares7 MSCI.
- Năm 1998, các quỹ ETF theo ngành lần lượt ra mắt. Các nhà đầu tư của Hòa Kỳ dần theo dõi nhiều chỉ số hơn như: S&P ngành, S&P 500, S&P 400, MSCI, DJI9, NASDAQ 100.
- Năm 2001, 3 quỹ ETF theo dõi hoạt động của chỉ số S&P 500, DJI và NASDAQ 100 đã được niêm yết trên sàn NYSE.
- Năm 2004, quỹ ETF hàng hóa đầu tiên của Hoa Kỳ ra đời với tên gọi là Gold SPDR (GLD), cho phép các nhà đầu tư giao dịch vàng.
- Sau 4 năm, vào năm 2008 Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ mở đường cho các quỹ ETF hoạt động.
- Năm 2010, quỹ ETF có kỳ hạn được công bố. Các nhà đầu tư có thể giữ trái phiếu và được phép đáo hạn trong cùng một năm.
- Năm 2015, ETF trái phiếu được ra mắt các nhà đầu tư.
- Đến năm 2019, quỹ ETF đã được niêm yết tại Hoa kỳ đạt 4000 tỷ USD. Các quỹ ETF trái phiếu toàn cầu (AUM) đã vượt xa con số 1000 tỷ USD.
Số liệu quỹ ETF phát triển qua từng năm
3. Đặc điểm của quỹ hoán đổi danh mục ETF
Quỹ đầu tư ETF có một số đặc điểm sau:
- Ai cũng có thể tham gia giao dịch bao gồm cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
- Quỹ ETF giao dịch như một cổ phiếu riêng lẻ, nên nó được mua bán theo thời gian thực của bất kỳ phiên giao dịch nào.
- Tính thanh khoản của ETF phụ thuộc vào chỉ số trong nhóm. Bởi quỹ ETF mô phỏng giá trị của chỉ số trong nhóm ngành hàng, vàng, hàng hóa,… nên sẽ có những ETF có tính thanh khoản tốt và có những ETF thiếu thanh khoản.
- Các quỹ ETF lớn mạnh trên thị trường hiện nay, đều là những quỹ hoạt động dựa vào chỉ số tham chiếu tiêu biểu S&P 500.
Quỹ ETF vừa mang đặc điểm của một quỹ đầu tư, vừa mang đặc điểm của một cổ phiếu được niêm yết và giao dịch trên hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán lớn trên thế giới. Giá của một cổ phiếu ETF sẽ thay đổi liên tục trong suốt ngày giao dịch. Điểm này không giống với các quỹ tương hỗ, vốn không được mua bán trên một sàn giao dịch.
Chi phí ETF thấp hơn so với cổ phiếu quỹ tương hỗ do đó chúng luôn là sự lựa chọn hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân.
Một quỹ ETF có thể sở hữu hàng trăm hoặc hàng ngàn cổ phiếu trong các ngành công nghiệp khác nhau, hoặc nó có thể tập trung vào một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể.
4. Một số quỹ hoán đổi danh mục có trên Finhay
- ETF MAFM VN30
- Được quản lý bởi tập đoàn tài chính toàn cầu Mirae Assets.
- Mục tiêu mô phỏng gần nhất có thể biến động (performance) của chỉ số VN30, gồm 30 công ty niêm yết trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán Thành phố Hồ Chí Minh có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn hàng đầu.
- ETF SSIAM VNX50
- Được quản lý bởi SSIAM – Công ty TNHH MTV thuộc 100% sở hữu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI),
- Hướng tới đạt hiệu quả đầu tư bám sát mức sinh lời thực tế của Chỉ Số VNX50 trong tất cả các giai đoạn
- ETF SSIAM VNFIN LEAD
- Được quản lý bởi SSIAM SSIAM – Công ty TNHH MTV thuộc 100% sở hữu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI),
- Hướng tới hướng tới đạt hiệu quả đầu tư bám sát mức sinh lời thực tế của Chỉ Số VNFIN LEAD (các cổ phiếu thành phần thuộc chỉ số ngành tài chính)
- ETF VFMVN DIAMOND
- Được quản lý bởi công ty Dragon Capital
- Mục tiêu mô phỏng gần nhất có thể về biến động (performance) của chỉ số VN DIAMOND. Đây là chỉ số có 10-20 cổ phiếu thành phần có giá trị vốn hóa tối thiểu từ 2.000 tỷ đồng và giá trị giao dịch khớp lệnh tối thiểu 5 tỷ đồng/ngày đối với cổ phiếu thuộc VNAllshare
- VinaCapital VN100 ETF
5. Cách thức hoạt động của ETF
Quỹ ETF là loại hình kết hợp giữa quỹ thông thường và cổ phiếu. ETF vừa có đặc tính, chức năng của quỹ vừa hoạt động giao dịch như một cổ phiếu.
ETF trong chứng khoán là gì? Chứng chỉ ETF trong chứng khoán hoạt động dựa vào việc thành lập hạng mục chứng khoán của các nhà sáng lập. Các bên sáng lập sẽ thiết lập vốn, thực hiện các chiến lược lựa chọn cổ phiếu làm sao cho giá trị của các chứng chỉ thu hút được các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ dựa vào các cơ chế để lựa chọn cho mình chứng chỉ phù hợp.
Giống như một mã chứng khoán riêng biệt, ETF được giao dịch mua – bán liên tục trong ngày theo các khung giờ cụ thể. Số lượng cổ phiếu lưu hành thuộc quỹ ETF có thể thay đổi mỗi ngày. Bởi cổ phiếu mới liên tục được tạo ra và cổ phiếu đang hiện hành được mua lại, nhằm mục đích giữ cho giá của quỹ ETF tương đồng với các loại chứng khoán cơ sở.
Tại đây, các nhà đầu tư mới đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì tính thanh khoản và theo dõi tính toàn vẹn của quỹ ETF thông qua việc giao dịch mua bán.
6. Ưu và nhược điểm khi đầu tư quỹ ETF?
Các quỹ ETF có thể là một phương tiện đầu tư tuyệt vời dành cho các nhà đầu tư lớn và nhỏ. Tuy nhiên ETF cũng tương tự như những phương tiện khác sẽ có điểm mạnh và điểm yếu. Dưới đây là một số ưu – nhược điểm nổi bật của quỹ ETF.
Ưu điểm
- Danh mục đầu tư vô cùng đa dạng: Hiện tại quỹ ETF có nhiều quỹ khác nhau, đa dạng theo nhiều lĩnh vực. Điều này giúp cho các nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn và tránh được nhiều rủi ro nhất.
- Lợi ích và ưu đãi về thuế: Khi các nhà đầu tư bán ETF thì thuế thu nhập vốn ETF mới phát sinh. Ngoài ra các nhà đầu tư có thể kiểm soát, theo dõi thời điểm trả thuế trên thặng dư vốn tốt hơn.
- Chi phí thấp: Quỹ ETF được các nhà đầu tư quản lý thụ động nên sẽ có chi phí hàng năm thấp hơn các quỹ được quản lý tích cực. Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ không bị mất phí gia nhập, hay các loại phí khác khi rút vốn đầu tư. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ phải mất một khoản phí nhỏ với các sàn giao dịch.
- Giao dịch bất kỳ thời điểm nào trong ngày: Quỹ ETF cho phép các nhà đầu tư giao dịch tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, ngay cả khi thị trường đã đóng cửa.
- Lệnh giao dịch luôn đa dạng: Do ETF được giao dịch như một cổ phiếu nên nhà đầu tư được phép đặt nhiều lệnh khác nhau như: Lệnh giao dịch ký quỹ, lệnh cắt lỗ, lệnh giới hạn,…
- Rủi ro thấp: Với ETF nhà đầu tư được phép đầu tư trên nhiều tài sản chính khác nhau. Điều này sẽ làm cho mức rủi ro, hệ số beta thấp hơn so với việc đầu tư vào một tài sản nhất định nào đó.
- Không có hạn mức đầu tư tối thiểu: Mức giới hạn sẽ do sàn chứng khoán quy định, phí giao dịch sẽ thấp hơn nhiều so với phí đầu tư.
- Bán khống và mua ký quỹ: Nhà đầu tư có thể linh hoạt đầu tư dù ít vốn bởi đầu tư quỹ ETF có thể bán khống, mua ký quỹ từ nhiều sàn giao dịch khác nhau.
Danh mục đầu tư của ETF đa dạng theo nhiều lĩnh vực khác nhau
Nhược điểm
Quỹ ETF có nhiều ưu điểm, nhưng đồng thời cũng có một số nhược điểm sau:
- Bị trì hoãn thanh toán: Việc này sẽ xảy ra ngay sau khi nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư sẽ phải chờ đến 2 ngày mới nhận được khoản thanh toán. Điều này sẽ làm cho nhà đầu tư không thể sử dụng tài khoản giao dịch tái đầu tư trong 2 ngày này.
- Tính thanh khoản không quá cao: ETF hoạt động dựa trên sự mô phỏng các chỉ số không mang tính sở hữu. Nó hoạt động dựa vào thị trường nên khi thị trường giảm thì nó cũng sẽ gây đến những rủi ro nhất định.
- Xuất hiện tình trạng chênh lệch giá: Mặc dù bám sát theo giá của tài sản cơ sở, nhưng vẫn sẽ có lúc xảy ra tình trạng chênh lệch giá. Điều này rất khó tránh khỏi.
- Quỹ ETF sẽ chịu tác động trực tiếp từ giá trị tài sản ròng.
- Khi mở quỹ ETF, nhà đầu tư có thể sẽ phải trả phí duy trì quỹ. Chính vì thế, điều đầu tiên nhà đầu tư cần phải làm chính là đánh giá chi phí cần phải trả khi mở quỹ.
Đánh giá chi phí khi mở ETF là việc làm đầu tiên của các nhà đầu tư?
7. Phân biệt chứng chỉ quỹ ETF và Quỹ tương hỗ (Quỹ mở và quỹ đóng)
Dưới đây là tổng quan sự khác biệt của quỹ mở, quỹ đóng và quỹ ETF.
8. Các loại quỹ ETF phổ biến nhất hiện nay trên thị trường
Những năm trở lại đây, ETF dần trở nên khá quen thuộc với nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Hiện tại trên thị trường, có thể kể đến một số quỹ ETF phổ biến như:
- Quỹ ETF theo quốc gia: Nhà đầu tư có thể tiếp cận đến thị trường chứng khoán trên khắp thế giới, bao gồm cả những thị trường rất khó tiếp cận. Có thể kể đến quỹ iShares MSCI Taiwan ETF của thị trường Đài Loan.
- Quỹ ETF theo lĩnh vực kinh tế: Nhà đầu tư có thể giao dịch với quỹ iShares UK Property UCITS ETFs về lĩnh vực này. Vì đây là quỹ ETF CFD, nên các nhà đầu tư có thể giao dịch và kiếm lời trên mọi giao dịch mua – bán.
- Quỹ ETF hàng hóa: Quỹ ETF hàng hóa thường sẽ nắm giữ hợp đồng tương lai hoặc các loại hợp đồng phát sinh về hàng hóa. Vì thế mà các nhà đầu tư sẽ không sở hữu các tài sản cơ sở. Quỹ ETF hàng hóa thường tạo ra các chỉ số tiêu chuẩn theo từng lĩnh vực như: sản phẩm nông nghiệp, kim loại, hay tài nguyên thiên nhiên.
- Quỹ ETF chỉ số chứng khoán: Nhà đầu tư hoàn toàn có thể mua chứng chỉ quỹ ETF trên S&P 500 thông qua quỹ Vanguard S&P 500 ETF.
- Quỹ ETF trái phiếu: Tại đây nhà đầu tư có thể tìm hiểu về trái phiếu chính phủ, trái phiếu tiểu bang, trái phiếu công ty,…
- Quỹ ETF nhóm ngành và công nghiệp: Tại quỹ này nhà đầu tư có thể theo dõi một vài chỉ số được các công ty hoạt động trong cùng một lĩnh vực tạo thành. Một số ngành cụ thể như dầu khí, ngân hàng, công nghệ,…
- Quỹ ETF tiền tệ: Quỹ này cho phép các nhà đầu tư tiếp cận đến thị trường ngoại hối mà không cần sở hữu tiền tệ. Quỹ ETF tiền tệ chỉ tập trung vào một loại tiền tệ. Loại tiền tệ được đầu tư nhiều có thể kể đến là đồng Euro, đô la Canada,..
- Quỹ ETF nghịch đảo: Quỹ này dùng để tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường cơ sở hoặc chỉ số.
- Quỹ ETF đầu tư thay thế: Quỹ này là dạng quỹ sáng tạo, các nhà giao dịch sẽ được tiếp cận đến các chiến lược đầu tư cụ thể và chi tiết.
Một số quỹ ETF phổ biến trên thị trường hiện nay
Trên đây là những nội dung, thông tin cơ bản giúp bạn hiểu rõ hơn về quỹ ETF là gì, các loại quỹ phổ biến tại thị trường hiện nay. Đầu tư vào ETF có thể mang lại lợi nhuận cao, nhưng không đồng nghĩa là nó an toàn. Các nhà đầu tư nên tìm hiểu rõ thông tin về quỹ và xây dựng cho mình một kế hoạch đầu tư cụ thể tránh phát sinh những rủi ro.